Số hiệu
|
46/2008/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp ngõ đi"
|
Ngày ban hành
|
24/12/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 24 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “tranh chấp ngõ đi” giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Huy Quỳnh sinh năm 1941, ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Yến và anh Đoàn Văn Tiến đều trú tại tổ 13, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đại diện;
2. Chị Hoàng Thị Lan sinh năm 1966, hiện ở tại Cộng hòa Liên bang Đức (địa chỉ: Trift Strafre 50, 99086 Erfurt Germany); ủy quyền cho mẹ là bà Đỗ Thị Sợi; trú tại tổ 15, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đại diện (văn bản ủy quyền ngày 03-4-2005);
3. Ông Hoàng Văn Phi sinh năm 1964, trú tại 12/2 tổ 13, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, ủy quyền cho anh Đoàn Văn Tiến đại diện (văn bản ủy quyền ngày 13-3-2006).
Bị đơn: Ông Đỗ Văn Mích sinh năm 1953; trú tại nhà số 11, ngách 12/2, tổ 13, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đỗ Thị Tuyết Chinh sinh năm 1958; trú tại: tổ 13, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện ngày 30-8-2004 và trong quá trình tố tụng, các nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Quỳnh (do bà Nguyễn Thị Yến và anh Đoàn Huy Tiến đại diện theo ủy quyền), chị Hoàng Thị Lan (do bà Đỗ Thị Sợi đại diện theo ủy quyền) và ông Hoàng Văn Phi trình bày:
Các hộ ông Quỳnh, chị Lan, ông Phi, ông Đỗ Văn Mích đều là hàng xóm của nhau và cùng sử dụng chung lối đi qua trước cửa nhà ông Mích và nhà ông Phi ra Quốc lộ 5.
- Theo ông Quỳnh trình bày thì: Năm 1984 gia đình ông được Ủy ban nhân dân xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm cấp 150m2 đất (phía trước có ao và lối đi ra phía mương của xóm) để làm nhà. Năm 1985 ông đã cất nhà trên diện tích đất này và ở cho đến nay. Quá trình sinh sống, do có nhu cầu đi ra Quốc lộ 5 cho thuận tiện, ông và ông Mích đề nghị chính quyền xã cho một số hộ dân sống tại đây sử dụng ao trước nhà ông để làm đường đi (rộng 1,5m) từ nhà ông qua nhà ông Phi và nhà ông Mích để ra Quốc lộ 5. Sau đó, gia đình ông đã đóng góp đổ cát lấp ao tạo ra lối đi nối với đường Quốc lộ 5 và sử dụng cho đến nay. Năm 1992 ông Mích xây Kiốt (giáp Quốc lộ 5) đã lấn chiếm sang phần lối đi, gia đình ông có ý kiến nhưng ông Mích trình bày hoàn cảnh, xây Ki ốt để nuôi con, nên lối đi chỉ còn lại 1m; ông Mích đã hứa là lối đi này do 2 gia đình (gia đình ông Mích và gia đình ông) cùng làm, cùng đi (ông Mích đã giấy cam đoan theo nội dung này); do vậy, gia đình ông có quyền sử dụng lối đi.
- Theo bà Sợi trình bày thì: Năm 1989 chị Hoàng Thị Lan (con gái bà) và chồng là anh Đỗ Văn Công đã mua nhà đất của ông Nguyễn Khiêm Toàn, nhưng để cho chị Đỗ Thị Tuyết Chinh (chị ruột anh Công) đứng tên giấy tờ mua bán; khi mua bán nhà, ông Toàn có giao cho vợ chồng chị Lan giấy tờ nhà trong đó có Giấy biên nhận đề ngày 19-01-1989 do ông Mích lập với nội dung là ông Mích đã nhận đóng góp 200.000 đồng phần ngõ đi chung của gia đình anh Toàn để đi ra phía Hợp tác xã Lân Thịnh (ra Quốc lộ 5); vợ chồng chị Lan sử dụng nhà đất này đến năm 1991 thì anh Công chết, sau đó chị Lan đi sang Cộng hòa Liên bang Đức làm ăn.
- Theo ông Phi trình bày thì: năm 1985, vợ chồng ông Mích (anh rể ông) đã nhượng lại cho ông diện tích đất hiện nay gia đình ông đang sử dụng. Năm 1986 gia đình ông làm nhà ở; gia đình ông Quỳnh cũng đổ đất vào phần ngõ đi ra Quốc lộ 5; giữa ông Quỳnh với ông Mích thỏa thuận sử dụng ngõ đi với nhau như thế nào thì ông không biết. Năm 1995 gia đình ông và gia đình ông Quỳnh đã đổ cát sỏi tôn tạo ngõ đi từ địa phận nhà ông Quỳnh thông ra Quốc lộ 5; gia đình ông sử dụng ngõ đi này để ra Quốc lộ 5 .
Gia đình các ông, bà đã sử dụng ngõ đi này từ khoảng 20 năm nay; bản đồ địa chính của phường Sài Đồng lập năm 1991 cũng thể hiện lối đi này. Tháng 5/2004, gia đình ông Mích tự ý đổ đất san nền, xây bục, làm cổng sắt không cho gia đình các ông, bà đi lại; do đó, các ông, bà yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông Mích trả lại nguyên trạng lối đi (thông suốt ra đường Quốc lộ 5) để các hộ được đi lại thuận tiện.
Bị đơn là ông Đỗ Văn Mích trình bày: Tháng 4/1984 gia đình ông được Ủy ban nhân dân xã Gia Thụy cấp 127m2 đất ở tại tổ 13, phường Sài Đồng, quận Long Biên; phía trước lô đất này có một cái ao và một lối đi rộng 3 m nối từ Quốc lộ 5 vào ao. Tháng 7/1984, gia đình ông xin phép chính quyền địa phương cho mua nốt ao và lối đi 3m nêu trên; chính quyền địa phương đã đồng ý và ông đã nộp đủ tiền mua ao, đất. Năm 1985, ông cho cụ Đỗ Thị La (mẹ vợ ông) một phần đất và một phần ao phía giáp nhà ông Quỳnh (nay diện tích này do ông Hoàng Văn Phi là con cụ La sử dụng). Ngày 10-5-1985 Hợp tác xã Gia Thụy đã xác nhận gia đình ông sử dụng đất và ao là 354m2. Tháng 7/1985 ông san lấp ao; đầu năm 1986 ông xây nhà; cuối năm 1987 ông đã đến ở cho đến nay.
Đất của gia đình ông rộng 3,75m giáp mặt Quốc lộ 5; quá trình sử dụng, ông để lại 1m chiều ngang (giáp Quốc lộ 5) để làm lối đi riêng của gia đình; lối đi này nối từ Quốc lộ 5 đi qua trước cửa nhà ông và gia đình ông Phi đến lối đi của xóm (rộng 2m) ra phía bờ mương. Năm 1985 anh Nguyễn Khiêm Toàn (hàng xóm của gia đình ông) hỏi ông xin nhờ ngõ đi nêu trên và hứa sẽ đóng góp tiền đổ đất; ngày 19-01-1989 anh Toàn có đưa cho ông 200.000 đồng để được đi nhờ ngõ đi này trong 2 năm (ông đã viết giấy biên nhận). Tháng 9/1992 ông viết giấy cho ông Quỳnh (giám đốc cũ của ông) với nội dung là ông bớt lại 1m trên phần đất của gia đình ông để gia đình ông và gia đình ông Quỳnh cùng đi; ông đã yêu cầu ông Quỳnh đóng góp tiền nhưng ông Quỳnh chưa đóng góp gì. Đối với gia đình ông Phi, khi cho đất thì ông đã yêu cầu gia đình anh Phi phải sử dụng lối đi của xóm ra đường mương, không được sử dụng lối đi qua trước cửa nhà ông.
Như vậy, lối đi này là của gia đình ông cho hộ ông Quỳnh, hộ ông Phi, hộ chị Lan đi nhờ. Tháng 5/2004, do việc đi lại phức tạp, mất trật tự an ninh, nên ông đã làm cổng và xây bịt lối đi này, không cho các hộ nêu trên đi nhờ nữa. Ông không chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn và không chấp nhận tư cách khởi kiện của chị Lan (ủy quyền cho bà Sợi đại diện) vì chị Lan không phải là người mua nhà của ông Toàn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Đỗ Thị Tuyết Chinh (chị ruột anh Công) trình bày: Năm 1987 chị mua nhà, đất của ông Nguyễn Khiêm Toàn chứ không phải chị đứng tên mua nhà giùm cho chị Lan; năm 1990, chị cho vợ chồng anh Công, chị Lan ở nhờ nhà và giao toàn bộ nhà đất cho chị Lan, anh Công quản lý. Chị Lan không có quyền lợi gì ở nhà đất này, nên không có quyền khởi kiện.
Nhà, đất nêu trên có lối đi khác ra phía mương là đường đi chung của xóm; còn ngõ đi ra Quốc lộ 5 là của gia đình ông Mích; anh Công, chị Lan sử dụng nhờ ngõ đi này, ông Mích xây bịt ngõ đi là đúng. Vì nhà đất của ông Toàn là do chị mua, nên chị trả lại ngõ đi này cho gia đình ông Mích.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 51/2005/DSST ngày 04-11-2005, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:
- Áp dụng Điều 265, Điều 280 Bộ luật dân sự;
- Điều 195, 243, 245, 250 và 250 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Nghị định 70/CP của Chính phủ quy định về án, lệ phí của Tòa án,
Xử:
- Chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng ngõ lối đi tại tổ 13 ngách 12/2 phường Sài Đồng, quận Long Biên của gia đình ông Nguyễn Huy Quỳnh (do bà Yến, anh Tiến được ủy quyền đại diện) và gia đình anh Hoàng Văn Phi đối với gia đình anh Đỗ Văn Mích.
- Buộc gia đình anh Mích phải tháo dỡ cánh cổng sang phía nhà anh Phi và bức tường xây sang phía nhà anh Toàn (diện tích đã nhượng bán cho chị Chinh trên giấy tờ) thực tế do chị Lan, anh Công sử dụng để các hộ trên đi lại bình thường.
- Đối với diện tích nhà, đất anh Toàn bán cho chị Chinh hiện có tranh chấp giữa chị Chinh, chị Lan phải được giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác nên việc bà Sợi, chị Chinh có yêu cầu khác nhau trong việc giải quyết lối đi với gia đình ông Mích là chưa đủ cơ sở xem xét giải quyết.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.
Ngày 07-11-2005, ông Mích có đơn kháng cáo và cho rằng bà Sợi không phải là chủ sở hữu nhà, nên không có quyền khởi kiện; ông Quỳnh, ông Phi không có quyền lợi tại ngõ đi này, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông phải dỡ cổng để các hộ khác sử dụng chung lối đi là không đúng.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 91/2006/DSPT ngày 21-4-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đỗ Văn Mích, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 51/DSST ngày 04-11-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội như sau:
1. Xác nhận ngõ đi ra đường Quốc lộ 5 tại ngách 12/2 tổ 13 phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, được tính từ ranh giới đất ông Phi và ông Mích ra đến Quốc lộ 5 là ngõ đi chung của hộ gia đình ông Đỗ Văn Mích, hộ gia đình ông Nguyễn Huy Quỳnh và hộ gia đình ông Nguyễn Khiêm Toàn. Ông Toàn đã bán nhà đất, quyền sử dụng ngõ đi chung của hộ gia đình ông Toàn thuộc về chủ sở hữu, sử dụng tiếp theo của hộ gia đình ông Toàn.
2. Chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng ngõ đi chung của ông Nguyễn Huy Quỳnh do anh Đoàn Văn Tiến đại diện và chị Hoàng Thị Lan do bà Đỗ Thị Sợi đại diện đối với ông Đỗ Văn Mích.
3. Buộc ông Đỗ Văn Mích phải tháo dỡ cánh cổng đi sang phía nhà đất của ông Nguyễn Huy Quỳnh và bức tường xây sang phía nhà đất của ông Nguyễn Khiêm Toàn để trả lại nguyên trạng ngõ đi chung cho các hộ ông Nguyễn Huy Quỳnh, chị Hoàng Thị Lan do bà Đỗ Thị Sợi đại diện sử dụng đi lại bình thường.
4. Bác yêu cầu của ông Hoàng Văn Phi đòi quyền sử dụng ngõ đi chung với ông Đỗ Văn Mích.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi có bản án phúc thẩm, ông Đỗ Văn Mích có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên.
Thi hành án thành phố Hà Nội có Công văn số458/CV-ĐNKN ngày 20-9-2007 đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên với lý do: trên ngõ đi còn có các công trình khác (bậc xây, cổng sắt, gác xép gỗ) cản trở lối đi, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không quyết định nên không thể thi hành án được.
Bộ tư pháp có Công văn số4750/BTP-THA ngày 05-11-2007 đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm với lý do: tại ngõ đi còn 02 cánh cổng sắt, không rõ thuộc quyền sở hữu của ai và ai có trách nhiệm phá dỡ, nhưng tại bản án phúc thẩm không ghi nhận việc này, nên cần xem xét lại bản án phúc thẩm để giải quyết triệt để vụ án.
Tại Quyết định số240/2008/KN-DS ngày 21-8-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm số 51/2005/DSST ngày 04-11-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử sơ thẩm lại với nhận định:
“...Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định ngõ đi ra đường Quốc lộ 5 tại ngách 12/2 tổ 13, phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, được tính từ ranh giới đất ông Phi và ông Mích ra đến Quốc lộ 5 là ngõ đi được hình thành từ trước năm 1990, được vẽ trong bản đồ địa chính phường Sài Đồng năm 1991; quá trình sinh sống, gia đình ông Quỳnh, gia đình ông Toàn (hiện nhà đất của ông Toàn do hộ chị Lan ở), gia đình ông Phi, gia đình ông Mích có sử dụng ngõ đi nêu trên để đi ra đường Quốc lộ 5; ngày 19-01-1989, ông Mích lập giấy biên nhận trong đó có nội dung “tôi đã nhận đóng góp phần ngõ đi chung của gia đình anh Toàn đi ra phía Lân Thịnh ra đường 5... là 200.000đ…”; ngày 19-9-1992, ông Mích viết “giấy cam đoan” trong đó có nội dung "...tôi và anh Quỳnh đã thống nhất..1 lối đi phía đường 5 rộng 1m...thỏa thuận lối đi này hai gia đình làm nên hai gia đình cùng đi…". Như vậy, ngõ đi nêu trên là ngõ đi chung, không thuộc quyền sử dụng riêng của hộ ông Mích, việc ông Mích làm cửa sắt không cho các hộ dân khác đi lại và xây dựng một số vật kiến trúc khác trên ngõ đi là không đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định cần buộc hộ ông Mích tháo dỡ các vật kiến trúc đã xây dựng, trả lại nguyên trạng ngõ đi để các hộ đi lại bình thường là có căn cứ.
Theo Biên bản định giá ngày 23-3-2005 của Tòa án quận Long Biên thì trên ngõ đi đang tranh chấp có 4 hạng mục là: 2 cửa sắt (một cửa đầu ngõ giáp đường 5, một cửa trong ngõ), 1 gác xép bằng gỗ (nằm phía trên khoảng không gian của ngõ đi, do anh Cường con ông Mích sử dụng), bức tường xây sang phía nhà ông Toàn và cổng sắt phía nhà ông Quỳnh; ngoài ra, theo Công văn số 852 ngày 20-6-2007 của Cục Thi hành án Bộ tư pháp thì trên lối đi còn có bục xây. Như vậy, tại ngõ đi chung có 5 hạng mục công trình tồn tại từ trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét, giải quyết các hạng mục này, mà chỉ tuyên buộc ông Mích dỡ bức tường phía nhà ông Toàn và dỡ cổng sắt phía nhà ông Quỳnh là chưa triệt để, không thể thi hành án trả lại nguyên trạng ngõ đi để các hộ dân khác đi lại bình thường được.
Do đó, cần hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng thu thập chứng cứ để giải quyết các vật kiến trúc đang tồn tại trên ngõ đi chung; đồng thời, cần xác minh thêm về việc chị Lan có hay không có quyền khởi kiện, để giải quyết vụ án theo đúng pháp luật...”
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán chấp nhận kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở xác định ngõ đi đang tranh chấp tại tổ 13 ngách 12/2 phường Sài Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội có nguồn gốc do gia đình ông Đỗ Văn Mích bỏ tiền mua của Hợp tác xã Gia Thụy từ năm 1985. Lối đi nêu trên có chiều rộng phía ngoài (giáp Quốc lộ 5) là khoảng 1m; chiều rộng phía trong (đi qua trước cửa nhà ông Đỗ Văn Mích) là khoảng 1,5m nối với lối đi chung của xóm. Thực tế, hộ ông Đỗ Huy Quỳnh, hộ ông Nguyễn Khiêm Toàn, hộ ông Hoàng Văn Phi (hàng xóm của gia đình ông Mích) cũng sử dụng lối đi này. Trong quá trình sử dụng, hộ ông Toàn và hộ ông Quỳnh có thỏa thuận với ông Mích về việc sử dụng chung lối đi; gia đình ông Phi sử dụng một phần đất có nguồn gốc của gia đình ông Mích và sử dụng lối đi này. Tại bản đồ địa chính phường Sài Đồng (lập năm 1991) đã thể hiện ngõ đi nêu trên.
Như vậy, ngõ đi đang tranh chấp là ngõ đi chung của hộ ông Mích, hộ ông Quỳnh, hộ ông Toàn (chủ sở hữu nhà, đất tiếp theo của ông Toàn được quyền sử dụng chung ngõ đi này) và hộ ông Phi, nhưng ông Phi phải đóng góp tiền xây dựng ngõ đi cho ông Mích (vì ông Mích đã nộp tiền hoa màu cho Hợp tác xã Gia Thụy để được sử dụng ngõ đi). Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng ngõ đi chung của gia đình ông Phi là có căn cứ, nhưng không buộc ông Phi phải thanh toán tiền sử dụng ngõ đi cho ông Mích là sai. Tòa án cấp phúc thẩm xác định ngõ đi nêu trên chỉ thuộc quyền sử dụng chung của ba hộ là hộ ông Mích, hộ ông Quỳnh và hộ ông Toàn; xử bác yêu cầu của ông Phi về đòi quyền sử dụng ngõ đi chung với ông Mích, là làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Phi.
Theo Biên bản định giá ngày 23-3-2005 của Tòa án quận Long Biên thì trên ngõ đi đang tranh chấp có 4 hạng mục là: 2 cửa sắt (một cửa đầu ngõ giáp đường 5, một cửa trong ngõ), 1 gác xép bằng gỗ (nằm tại phần không gian của ngõ đi), bức tường xây sang phía nhà ông Toàn và cổng sắt phía nhà ông Quỳnh; ngoài ra, theo Quyết định số852/QĐGQKN-THA ngày 20-6-2007 của Cục Thi hành án Bộ tư pháp về việc giải quyết khiếu nại của ông Quỳnh, bà Lan thì trên lối đi còn có bậc xây. Như vậy, tại ngõ đi chung có 5 hạng mục công trình đã tồn tại trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét, giải quyết tất cả các hạng mục này, mà chỉ tuyên buộc ông Mích dỡ bức tường phía nhà ông Toàn và dỡ cổng sắt phía nhà ông Quỳnh là chưa triệt để, không thể thi hành án được.
Đối với gác xép gỗ diện tích 6,75m2 tại phần khoảng không của ngõ đi chung (phía trên gác xép gỗ này là sàn bê tông tầng 2 diện tích 8m2, hiện nay do anh Đỗ Văn Cường là con ông Mích sử dụng) thì cần xem xét làm rõ; trong trường hợp gác xép này nằm tách biệt tại khoảng không của ngõ đi, không ảnh hưởng đến việc đi lại, thì cần giữ nguyên việc sử dụng, không buộc tháo dỡ.
Về tố tụng:
Về tư cách khởi kiện của chị Hoàng Thị Lan: vợ chồng anh Công, chị Lan ở tại nhà, đất của ông Nguyễn Khiêm Toàn (trước đây) từ năm 1989; năm 1991 anh Công chết, chị Lan sang Cộng hòa Liên bang Đức làm ăn và đã giao căn nhà này cho bà Đỗ Thị Sợi (mẹ chị Lan) quản lý. Như vậy, chị Lan, bà Sợi là người quản lý sử dụng nhà, đất này; do đó, chị Lan có quyền khởi kiện yêu cầu được sử dụng lối đi chung. Tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa đủ cơ sở xem xét yêu cầu của chị Lan (do bà Sợi đại diện) về lối đi, là không đúng.
Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, anh Đỗ Văn Cường (con ông Mích) có lời khai là anh và ông Mích đã xây cổng tại ngõ đi; theo Biên bản định giá ngày 23-3-2005 của Tòa án nhân dân quận Long Biên thì gác xép gỗ (diện tích 6,75m2 nằm tại phần khoảng không của ngõ đi giáp Quốc lộ 5) là do anh Cường làm. Như vậy, anh Cường có tham gia xây cổng và anh Cường là người làm gác xép gỗ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa anh Cường tham gia tố tụng, là không đúng.
Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 91/2006/DSPT ngày 21-4-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 51/2005/DSST ngày 04-11-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “tranh chấp ngõ đi” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Quỳnh, chị Hoàng Thị Lan, ông Hoàng Văn Phi với bị đơn là ông Đỗ Văn Mích; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Đỗ Thị Tuyết Chinh.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:
Vụ án cần được xét xử sơ thẩm lại theo hướng thu thập chứng cứ để giải quyết các vật kiến trúc đang tồn tại trên ngõ đi chung; đồng thời cần xác minh một nguyên đơn (chị Lan) có quyền khởi kiện hay không.