Quyết định giám đốc thẩm số 26/2005/ds-gđt ngày 16-9-2005 về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”

Chủ đề   RSS   
  • #264968 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 26/2005/ds-gđt ngày 16-9-2005 về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”

    Số hiệu

    26/2005/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số26/2005/ds-gđt ngày 16-9-2005 về vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”

    Ngày ban hành

    16/09/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYếT ĐịNH GIÁM ĐốC THẩM Số26/2005/DS-GĐT

    NGÀY 16-9-2005 Về Vụ ÁN “TRANH CHấP HợP ĐồNG 
    CHUYểN NHƯợNG QUYềN Sử DụNG ĐấT”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 16 tháng 9 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

     Nguyên đơn: Ông Trần Văn Đảnh.

    Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của nguyên đơn (văn bản uỷ quyền ngày 23-2-2004): bà Trần Bích Thuỷ, trú tại nhà số 69/2 khu vực 6, phường An Thới, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ.

     Bị đơn: Nhà máy nước giải khát Hậu Giang thuộc Công ty nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO).

    Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của bị đơn (văn bản uỷ quyền ngày 09-8-2004): ông Trần Tấn Phương, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính của Nhà máy nước giải khát Hậu Giang.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    - Ông Nguyễn Tấn Liêm, trú tại nhà số 1/17 Đinh Tiên Hoàng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ;

    - Ông Ngũ Hiệp, trú tại nhà số 60 Ngô Đức Kế, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

    Nhận thấy:

    Tại đơn khởi kiện ngày 05-10-2002 và lời khai tại Toà án nhân dân huyện Ô Môn (nay là Quận Ô Môn) ngày 28-10-2003 cùng nhiều lời khai khác, nguyên đơn là ông Trần Văn Đảnh và sau này là bà Trần Bích Thuỷ (người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của nguyên đơn) yêu cầu Toà án giải quyết: huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1980 giữa ông Trần Văn Đảnh với Nhà máy nước ngọt, nước đá Hậu Giang trước đây (nay là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang), huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1992 giữa ông Nguyễn Hoàng Lâm (đại diện của Nhà máy) với ông Nguyến Tấn Liêm và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2001 giữa ông Nguyễn Tấn Liêm với ông Ngũ Hiệp; buộc phía bị đơn là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang cùng các ông Nguyễn Tấn Liêm, ông Ngũ Hiệp có trách nhiệm trả lại cho ông Trần Văn Đảnh toàn bộ diện tích đất tại các thửa đất số 633, 634, tờ bản đồ số 4 tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

    Theo các lời khai của phía nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án thì: phần đất trên có nguồn gốc là đất của gia đình ông Trần Văn Đảnh đã được cấp bằng khoán từ năm 1906 (ông Trần Văn Đảnh được hưởng thừa kế từ 
    ngày 04-9-1973). Tháng 9 năm 1980, ông Trần Văn Đảnh chuyển nhượng 
    cho Nhà máy nước ngọt, nước đá Hậu Giang phần đất trên với giá 30.000đ. Ngày 30-9-1980, Nhà máy đã tạm ứng trả trước cho ông 10.000đ, phần còn lại thoả thuận khi nào làm xong thủ tục thì thanh toán nốt. Từ đó đến nay đã nhiều lần gia đình ông yêu cầu, nhưng do Nhà máy làm ăn thua lỗ và nhiều lần thay đổi lãnh đạo nên không ai giải quyết thanh thoán số tiền 20.000đ còn thiếu nói trên. Năm 1992, đại diện Nhà máy là ông Nguyễn Hoàng Lâm đã chuyển nhượng phần đất trên cho ông Nguyễn Tấn Liêm. Năm 2001, ông Nguyễn Tấn Liêm chuyển nhượng lại cho ông Ngũ Hiệp. Hiện ông Ngũ Hiệp đang xây nhà xưởng. Vì vậy, ông yêu cầu Toà án giải quyết huỷ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông với nhà máy, giữa Nhà máy với ông Nguyễn Tấn Liêm, giữa ông Nguyễn Tấn Liêm với ông Ngũ Hiệp và cho ông được lấy lại đất.

    Theo các lời khai của phía bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án thì: việc mua bán đã lâu và Nhà máy đã trải qua nhiều lần biến động thay đổi lớn, nên không còn lưu giữ chứng từ gì về việc chuyển nhượng và cũng không nắm rõ việc chuyển nhượng này. Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm (năm 1980 là cán bộ phòng hành chính của Nhà máy và sau đó thuộc ban lãnh đạo của Nhà máy cho đến nay) thì phần đất có tranh chấp hiện nay là của Nhà máy chuyển nhượng năm 1980 giá 30.000đ, gồm hai phần: một phần là của gia đình ông Trần Văn Đảnh, trị giá khoảng 18.000đ; phần còn lại là của ông Thành (thường gọi là Thành Hột Vịt). Phần đất này trước đây ông Trần Văn Đảnh đã chuyển nhượng cho ông Thành và ông Thành chuyển nhượng lại cho Nhà máy cùng thời điểm với ông Trần Văn Đảnh. Việc chuyển nhượng do ông Đỗ Quang Phục (giám đốc Nhà máy), ông Huỳnh Công Luận (bí thư chi bộ Nhà máy) và ông Nguyễn Văn Sậy, bà Nguyễn Thị Lai (thuộc ban đời sống Nhà máy) tiến hành. Nhà máy cho rằng việc chuyển nhượng và thanh toán đã thực hiện xong, đã nhận đất để xây dựng căng tin, chuồng trại chăn nuôi và sử dụng liên tục từ năm 1981. Năm 1990 Nhà máy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nhưng gia đình ông Trần Văn Đảnh không có ý kiến tranh chấp gì. Năm 1992 Nhà máy chuyển nhượng cho ông Nguyễn Tấn Liêm và ông Nguyễn Tấn Liêm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2001 ông Nguyễn Tấn Liêm chuyển nhượng lại cho ông Ngũ Hiệp và ông Ngũ Hiệp cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, Nhà máy không đồng ý với yêu cầu của gia đình ông Trần Văn Đảnh.

    Ông Nguyễn Tấn Liêm và ông Ngũ Hiệp đều cho rằng do chuyển nhượng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách hợp pháp, nên không đồng ý huỷ hợp đồng theo yêu cầu của ông Trần Văn Đảnh. Ông Ngũ Hiệp yêu cầu được tiếp tục sử dụng đất.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 30 ngày 04-6-2004, Toà án nhân dân quận Ô Môn quyết định:

    Bác yêu cầu của ông Trần Văn Đảnh uỷ quyền cho Trần Bích Thuỷ đòi lại quyền sử dụng đất đối với Nhà máy nước ngọt Hậu Giang có đại diện là ông Nguyễn Hoàng Lâm.

    Công nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1183 ngày 14-12-1990 tại tờ bản đồ số 04, thửa 633, 634 toạ lạc tại khu vực Thới Đông, phường Phước Thới diện tích 6.400m2 của Nhà máy nước ngọt Hậu Giang (BGI) có đại diện là ông Nguyễn Hoàng Lâm đứng tên.

    Về án phí dân sự sơ thẩm: ông Trần Văn Đảnh uỷ quyền cho Trần Bích Thuỷ phải nộp số tiền là 50.000 đồng.

    Về tạm ứng án phí: Ông Trần Văn Đảnh đã nộp 50.000 đồng theo phiếu thu số 00768 ngày 15-10-2003 được khấu trừ vào án phí.

    Trong hạn 15 ngày tròn kể từ ngày tuyên án các đương sự có quyền kháng cáo xin Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm.

    Ngày 14-6-2004, chị Trần Bích Thuỷ (đại diện theo uỷ quyền của ông Trần Văn Đảnh) kháng cáo, đề nghị huỷ hợp đồng năm 1980 với Nhà máy và công nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Đảnh.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 121/DSPT ngày 18-8-2004, Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định:

    Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn Đảnh.

    Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Đảnh và Nhà máy nước ngọt nước đá Hậu Giang (nay là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang) lập ngày 30-9-1980 vô hiệu.

    Buộc ông Đảnh và gia đình thanh toán cho Nhà máy nước giải khát Hậu Giang là 8.017.200 đồng.

    Buộc Nhà máy nước giải khát Hậu Giang, ông Nguyễn Tấn Liêm, ông Ngũ Hiệp và gia đình giao trả lại toàn bộ diện tích đất 6.836m2 (T và LNK) tại các thửa 634, 633 toạ lạc tại khu vực Thới Đông, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho ông Trần Văn Đảnh.

    Ông Ngũ Hiệp đang quản lý tài sản có nghĩa vụ tháo dỡ nhà, tường rào và các vật kiến trúc khác trên phần đất để giao đất.

    Tách thành vụ kiện khác về việc chuyển nhượng đất của các đương sự Nguyễn Hoàng Lâm, Nguyễn Tấn Liêm, Ngũ Hiệp theo thủ tục chung khi có yêu cầu.

    Huỷ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1183 cấp ngày 14-12-1990 cho ông Nguyễn Hoàng Lâm; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không số cấp ngày 12-03-1997 cho ông Nguyễn Tấn Liêm; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00068 cấp ngày 02-10-2002 cho ông Ngũ Hiệp.

    Yêu cầu ông Trần Văn Đảnh và gia đình đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước.

    Kiến nghị Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Đảnh khi án có hiệu lực pháp luật và thi hành xong nghĩa vụ hoàn trả được ghi ra bên trên.

    án phí dân sự sơ thẩm ông Đảnh nộp 400.000 đồng; Nhà máy nước giải khát Hậu Giang nộp 50.000 đồng.

    án phí dân sự phúc thẩm ông Đảnh không phải chịu.

    Ông Đảnh được trừ hai khoản dự phí sơ thẩm và kháng cáo phúc thẩm đã nộp là 100.000 đồng.

    Bản án này là chung thẩm.

    Ngày 24-8-2004, ông Nguyễn Tấn Liêm và ông Ngũ Hiệp khiếu nại.

    Ngày 05-10-2004, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ có Báo cáo số 202/KSVGQVADS gửi Vụ 5 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số70/KN-VKSTC-V5 ngày 05-11-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 121/DSPT ngày 18-8-2004 của Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ. Đề nghị Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 30 ngày 04-6-2004 của Toà án nhân dân quận Ô Môn và bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ điều tra, xét xử sơ thẩm lại.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số174/GĐT-DS ngày 30-12-2004, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

    Sửa bản án dân sự phúc thẩm số 121/DSPT ngày 18-8-2004 của Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ.

    Bác yêu cầu của ông Trần Văn Đảnh đòi lại quyền sử dụng đất đối với Nhà máy nước ngọt Hậu Giang (nay là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang).

    án phí: ông Trần Văn Đảnh không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm và án phí phúc thẩm.

    Hoàn trả cho ông Trần Văn Đảnh số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm 50.000 đồng theo phiếu thu số 00768 ngày 15-10-2003 và 50.000 đồng theo phiếu thu số 001645 ngày 10-6-2004 của Đội thi hành án quận Ô Môn, thành phố CầnThơ.

    Ngày 11-3-2005, ông Trần Văn Đảnh khiếu nại.

    Tại Báo cáo số 01/2005/BC.UBTP.TATP ngày 18-02-2005, Uỷ ban Thẩm phán Toà án thành phố Cần Thơ đề nghị kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số174/GĐT-DS ngày 30-12-2004 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao.

    Tại Quyết định số76/2005/QĐKNDS-GĐT ngày 22-7-2005, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số174/GĐT-DS ngày 30-12-2004 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Quyết định giám đốc thẩm nói trên, huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 121/DSPT ngày 18-8-2004 của Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ và bản án dân sự sơ thẩm số 30 
    ngày 04-6-2004 của Toà án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ để xác minh thu thập thêm chứng cứ và xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Kháng nghị nhận định: chưa đủ căn cứ để xác định phía Nhà máy đã thanh toán đủ tiền chuyển nhượng cho ông Trần Văn Đảnh, Toà án cấp giám đốc thẩm xử bác yêu cầu của ông Đảnh đòi lại quyền sử dụng đất đối với Nhà máy, nhưng không xác minh làm rõ nội dung việc chuyển nhượng và giải quyết luôn phần thanh toán còn thiếu giữa hai bên là không đúng.

    xét thấy:

    Diện tích đất hiện ông Ngũ Hiệp đang sử dụng có nguồn gốc là của ông Trần Văn Đảnh. Năm 1980 ông Trần Văn Đảnh đã chuyển nhượng cho Nhà máy. Nhà máy đã nhận đất sử dụng xây các công trình trên đất ngay sau khi chuyển nhượng và năm 1990 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, theo nội dung hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 2.2 mục 2 phần II của Nghị quyết số02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (có hiệu lực vào thời điểm xét xử giám đốc thẩm), thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thuộc trường hợp đủ các điều kiện được công nhận, không huỷ bỏ do vô hiệu.

    Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án còn có nhiều mâu thuẫn với nhau. Ông Trần Văn Đảnh khai rằng toàn bộ diện tích đất có tranh chấp hiện nay của ông chuyển nhượng cho Nhà máy vào năm 1980 với giá 30.000, Nhà máy mới thanh toán cho ông 10.000 đồng, vào ngày 30-9-1980, còn 20.000 đồng tới nay chưa trả. Phía nhà máy thừa nhận đã chuyển nhượng toàn bộ phần đất trên vào năm 1980 với giá 30.000 đồng, nhưng chỉ chuyển nhượng của ông Đảnh đối với diện tích 3529m2 đất tại thửa số 633 hiện nay với giá 18.000 đồng, phần còn lại là chuyển nhượng của ông Thành. Nhà máy khai rằng sau đó Nhà máy đã thanh toán xong tiền chuyển nhượng cho ông Đảnh, nhưng cũng không xuất trình được căn cứ chứng minh việc thanh toán đó.

    Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều chưa xác minh làm rõ có việc Nhà máy chuyển nhượng đất của ông Thành hay không, hay toàn bộ diện tích đất chuyển nhượng là của ông Đảnh? Nhà máy đã thanh toán hết tiền chuyển nhượng cho ông Đảnh hay chưa v.v... để có đầy đủ căn cứ giải quyết vụ án. Việc Toà án cấp giám đốc thẩm quyết định bác yêu cầu của ông Đảnh cũng là không đúng vì chưa có đầy đủ căn cứ.

    Để có đầy đủ căn cứ giải quyết vụ án thì việc xác minh, thu thập chứng cứ về những vấn đề trên là cần thiết.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1 Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự;

    Quyết định:

    1. Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số174/GĐT-DS ngày 30-12-2004 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao, bản án dân sự phúc thẩm số 121/DSPT 
    ngày 18-8-2004 của Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ và bản án dân sự sơ thẩm số 30 ngày 04-6-2004 của Toà án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ; giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Đảnh và bị đơn là Nhà máy nước giải khát Hậu Giang.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ quyết định giám đốc thẩm, các bản án phúc thẩm và sơ thẩm:

    Toà án các cấp chưa xác minh, làm rõ việc toàn bộ diện tích đất chuyển nhượng có phải là của nguyên đơn hay không? Phía bị đơn đã thanh toán hết tiền chuyển nhượng cho phía nguyên đơn hay chưa.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ quyết định giám đốc thẩm, các bản án phúc thẩm và sơ thẩm:

    Thiếu sót trong việc xác minh, thu thập chứng cứ.   

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 09:56:25 SA
     
    2805 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận