Quyền nhân thân là gì? Quyền chuyển đổi giới tính và quyền xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành được quy định ra sao?
Quyền nhân thân được quy định như thế nào?
Với mục tiêu thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con người trong xã hội, Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận các quyền nhân thân cơ bản của cá nhân (con người).
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015, “Quyền nhân thân” được hiểu là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trong đó, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Quy định về quyền xác định lại giới tính?
Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại sẽ kéo theo việc ngày càng có nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống, và một trong những vấn đề được chú ý quan tâm đó là xác định lại giới tính của con người.
Quy định về quyền xác định lại giới tính được ghi nhận tại Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:
- Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
- Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Quyền chuyển đổi giới tính trong pháp luật dân sự Việt Nam?
Trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 được ban hành, pháp luật Việt Nam không thừa nhận quyền thay đổi giới tính mà chỉ công nhận quyền được xác định lại giới tính của cá nhân theo Điều 36 Bộ luật dân sự 2005: “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính ....Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”.
Đến thời điểm hiện tại, Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định sau đây:
“Điều 37. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của con người là một trong những quyền cơ bản của công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, đồng thời với việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính, như những người chuyển đổi giới tính có quyền thay đổi họ, tên, cải chính hộ tịch và những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính của mình.