Chào bạn, đối với câu hỏi của bạn mình có một số ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 5 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
5. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
…”
Như vậy, giống cây trồng mới do tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu thì mới có quyền đối với giống cây trồng đó
Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
“Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
…
4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.”
Như vậy, quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng
Mặt khác, Điều 194 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022 quy định:
“Điều 194. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng
1. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định.
2. Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển nhượng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
3. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
4. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.”
Như vậy, khi nhận chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng thì bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng theo thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, nếu Công ty Hoàng Phát đã nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng là thanh long ruột đỏ tên LĐ 1 thì có các quyền đối với giống cây trồng này.