Quỹ xã hội và những điều cần biết

Chủ đề   RSS   
  • #602605 17/05/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (268)
    Số điểm: 2117
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 22 lần


    Quỹ xã hội và những điều cần biết

    Hiện nay, chúng ta thường thấy các tổ chức hoạt động vì mục đích giúp đỡ xã hội, hướng đến cộng đồng ngày càng nhiều. Bên cạnh doanh nghiệp xã hội thì quỹ xã hội cũng là một loại hình để tổ chức thành lập và hoạt động. Vậy quỹ xã hội là gì và muốn thành lập quỹ thì cần làm những gì?

    1. Quỹ xã hội là gì?

    Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì quỹ xã hội được hiểu là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn, không vì mục tiêu lợi nhuận.

    Như vậy, quỹ xã hội là tổ chức phi chính phủ, do cá nhân hay tổ chức tự nguyện thành lập nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những hoạt động này xuất phát từ ý định hướng đến cộng đồng tốt hơn và không vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, quỹ xã hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

    2. Điều kiện thành lập quỹ xã hội

    Về điều kiện thành lập quỹ xã hội được quy định tại Điều 10 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cụ thể:

    Thứ nhất, quỹ có mục đích hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

    Thứ hai, có sáng lập viên thành lập quỹ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Cụ thể, sáng lập viên thành lập quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:

    - Phải là công dân, tổ chức Việt Nam;

    - Đối với công dân: có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;

    - Đối với tổ chức: được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ; trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;

    - Sáng lập viên thành lập quỹ phải đóng góp tài sản hợp pháp theo quy định;

    - Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

    Thứ ba, ban thành lập quỹ có đủ số tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Theo đó, tài sản đóng góp thành lập quỹ là tiền đồng Việt Nam và/hoặc tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ. Trường hợp tài sản đóng góp bao gồm cả tài sản khác thì tiền đồng Việt Nam trong số tài sản đóng góp này phải bảo đảm tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.

    Về tài sản đóng góp thành lập quỹ phải bảo đảm như sau:

    - Đối với quỹ xã hội do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập:

    • Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
     
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
     
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
     
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).
     

    - Trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ xã hội:

    • Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);

    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);
     
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);
     
    • Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

    Thứ tư, hồ sơ thành lập quỹ phải bảo đảm theo Điều 15 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Hồ sơ bao gồm:

    - Đơn đề nghị thành lập quỹ;

    - Dự thảo điều lệ quỹ;

    - Bản cam kết đóng góp tài sản thành lập quỹ của các sáng lập viên, tài liệu chứng minh tài sản đóng góp để thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;

    - Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của các thành viên Ban sáng lập quỹ và các tài liệu theo quy định tại Điều 11, Điều 12 hoặc Điều 13 Nghị định 93/2019/NĐ-CP. Sáng lập viên thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

    - Văn bản bầu các chức danh Ban sáng lập quỹ;

    - Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của quỹ.

    3. Trình tự thủ tục thành lập quỹ xã hội

    Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ xã hội sẽ tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của quỹ, cụ thể:

    - Bộ Nội vụ có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ xã hội có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh; quỹ xã hội có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh.

    - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ xã hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; quỹ xã hội có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

    Theo Điều 17 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, khi tiếp nhận hồ sơ thành lập quỹ xã hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập phiếu tiếp nhận hồ sơ để làm căn cứ xác định thời hạn giải quyết. Nội dung phiếu tiếp nhận hồ sơ gồm: Ngày, tháng, năm và phương thức tiếp nhận; thông tin về hồ sơ; thông tin bên gửi, bên nhận. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Chậm nhất sau 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

    Có một điều cần lưu ý là trong trường hợp quỹ xã hội được thành lập mới thì giấy phép thành lập quỹ đồng thời là giấy công nhận điều lệ quỹ.

    Như vậy, quỹ xã hội là tổ chức phi chính phủ do tổ chức, cá nhân tự nguyện thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ hoạt động nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Để thành lập quỹ xã hội, cá nhân và tổ chức phải đáp ứng điều kiện và nộp hồ sơ, thủ tục thành lập quỹ theo quy định pháp luật.

     

     
    3238 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận