Quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ cho con

Chủ đề   RSS   
  • #602321 05/05/2023

    haohao2912
    Top 500
    Female
    Lớp 1

    Khánh Hoà, Việt Nam
    Tham gia:11/07/2018
    Tổng số bài viết (292)
    Số điểm: 2618
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 33 lần


    Quy định về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ cho con

    Một số trường hợp thiếu cha, mẹ trong hồ sơ hộ tịch của con làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con cũng như quyền được làm cha, mẹ của người cha, người mẹ. Vậy đăng ký nhận cha, mẹ cho con ở đâu và hồ sơ thực hiện như thế nào.

    1. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ cho con

    Căn cứ tại Điều 24 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

    Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

    Căn cứ tại Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

    Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

    Căn cứ tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP quy định:

    Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cùng cư trú ở nước ngoài.

    Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài chỉ thực hiện nếu không trái với pháp luật của nước sở tại.

    Theo đó, thực hiện nhận cha, con tại nơi có thẩm quyền như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc con: trường hợp cả hai có quốc tịch Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam.

    - Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú: trường hợp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

    - Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú: trường hợp giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cùng cư trú ở nước ngoài (cả cha và con đang cùng cư trú ở nước ngoài).

    2. Hồ sơ đăng ký

    2.1. Đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã

    Căn cứ tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 và được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Theo đó, hồ sơ bao gồm:

    - Mẫu tờ khai được ban hành kèm theo Phụ lục của Thông tư 04/2020/TT-BTP.

    - Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:

    + Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

    + Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

    2.2. Đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện

    Căn cứ tại Điều 44 Luật Hộ tịch 2014 quy định về hồ sơ đăng ký bao gồm:

    - Mẫu tờ khai được ban hành kèm theo Phụ lục của Thông tư 04/2020/TT-BTP.

    - Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:

    + Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

    + Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

    - Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

    2.3. Đăng ký tại Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cư trú:

    Căn cứ tại Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP quy định hồ sơ bao gồm:

    - Mẫu tờ khai được ban hành kèm theo Phụ lục của Thông tư 04/2020/TT-BTP.

    - Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh (bản sao) của người con, nếu người con đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

    - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha - con, quan hệ mẹ - con.

    Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

    Theo đó, để đăng ký nhận cha, mẹ cho con cần xác định đúng cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ cho con trong từng trường hợp và chuẩn bị hồ sơ phù hợp theo quy định.

     

     
    1055 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận