Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của quỹ Hỗ trợ nông dân

Chủ đề   RSS   
  • #611642 17/05/2024

    Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của quỹ Hỗ trợ nông dân

    Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc cơ quan Hội Nông dân các cấp; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 37/2023/NĐ-CP.
     
    Và hiện nay trong hoạt động cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân thì việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay được thực hiện theo Điều 21 Nghị định 37/2023/NĐ-CP như sau:
     
    Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay
     
    - Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô, phù hợp với đặc thù hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
     
    - Đối với những khoản nhận ủy thác cho vay mà Quỹ Hỗ trợ nông dân không chịu rủi ro thì không trích lập dự phòng rủi ro.
     
    - Tối thiểu sau 05 năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và đã thực hiện tất cả các biện pháp xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được nợ, căn cứ đề nghị của Hội đồng xử lý rủi ro của Quỹ Hỗ trợ nông dân:
     
    + Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương: Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Ban Thường vụ Trung ương Hội nông dân Việt Nam sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo;
     
    + Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh: Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Ban Thường vụ Hội nông dân cấp tỉnh sau khi báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo;
     
    + Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện: Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện quyết định xuất toán khoản nợ đã chuyển theo dõi ngoại bảng trên cơ sở phê duyệt của Ban Thường vụ Hội nông dân cấp huyện sau khi báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
     
    - Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng quy chế xử lý rủi ro và trình Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp. Quy chế xử lý rủi ro bao gồm các nội dung cơ bản sau: nguyên tắc xử lý rủi ro; các trường hợp, biện pháp, thẩm quyền xử lý rủi ro; hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro, chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xử lý rủi ro của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
     
    Cơ cấu hội đồng xử lý rủi ro
     
    Căn cứ Điều 22 Nghị định 37/2023/NĐ-CP thì cơ cấu hội đồng xử lý rủi ro bao gồm:
     
    - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân là Chủ tịch Hội đồng xử lý rủi ro;
     
    - Trưởng Ban kiểm soát, Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ Hỗ trợ nông dân;
     
    - Tối thiểu 02 thành viên khác do Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp quyết định.
     
    =>> Như vậy việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân được thực hiện theo đề nghị của Hội đồng xử lý rủi ro theo các quy định nêu trên.
     
    200 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận