Có 02 phương pháp tính thuế GTGT đó là phương pháp khấu trừ thuế GTGT và phương pháp tính trực tiếp. Trong phạm vi bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến phương pháp tính trực tiếp thuế GTGT.
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì:
1. Doanh nghiệp nào áp dụng phương pháp tính trực tiếp thuế GTGT
- Doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
- Doanh nghiệp mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
- Doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.
2. Phương pháp tính thuế GTGT
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Trong đó: Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
3. Tỷ lệ % áp dụng
- Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%;
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
4. Ưu, nhược điểm:
- Ưu điểm: Không bị quá ràng buộc về kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, không cần các hóa đơn GTGT ở đầu vào.
- Nhược điểm: Không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ.