Hiện nay, mạng xã hội không còn xa lạ gì với mọi người, ai ai cũng đều sở hữu cho mình một chiếc smartphone hay một chiếc laptop, máy tính có thể truy cập mạng internet để truy cập mạng xã hội như facebook, zalo… để đăng tải các dòng trạng thái, chia sẽ những bài viết, bình luận về các vấn đề mình quan tâm. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể khiến bạn bị phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Việc đưa thông tin sai sự thật hay những lời bình luận ác ý, thiếu khách quan trên mạng xã hội dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Đã có không ít trường hợp nữ sinh phải bỏ học, tự tử còn cha mẹ suy sụp tinh thần, không dám bước chân ra khỏi nhà chỉ vì những bức ảnh, những lời quy kết, chửi bới, lăng nhục trên mạng xã hội xuất phát từ những thông tin ban đầu thiếu căn cứ.
Về xử phạt hành chính, theo Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015...
Cập nhật bởi giangthingochuong ngày 30/03/2019 10:33:24 CH