Nội dung cơ bản dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chủ đề   RSS   
  • #552874 27/07/2020

    dutiepkhac
    Top 150
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Long An, Việt Nam
    Tham gia:21/08/2018
    Tổng số bài viết (543)
    Số điểm: 77128
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 178 lần


    Nội dung cơ bản dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

    Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định Hiến pháp 2013; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

    Dưới đây là nội dung cơ bản của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

    Về những quy định chung

    Gồm 06 điều, từ Điều 1 đến Điều 6 với các nội dung cơ bản như sau:

    - Giải thích từ ngữ: Dự thảo Luật kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan, đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…

    - Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm các nội dung cơ bản như: Bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội;…

    - Các hành vi bị nghiêm cấm: Gồm các hành vi qua thực tiễn thi hành pháp luật được xác định là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và Nhân dân.

    Về hệ thống báo hiệu đường bộ

    Gồm 06 điều, từ Điều 7 đến Điều 12 quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, tường bảo vệ và các thiết bị phục vụ an toàn giao thông khác. Hệ thống này là thông tin tín hiệu an toàn giao thông để thông báo, hướng dẫn hoặc bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành để bảo đảm an toàn cho mình và người tham gia giao thông khác; các thông tin an toàn của hệ thống báo hiệu đường bộ có tính chất quốc tế (không quy định việc sản xuất, tổ chức lắp đặt, cắm các biển báo hiệu đường bộ), trên cơ sở Luật hóa các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ đang được quy định tại thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, bổ sung quy định phù hợp với Công ước Viên 1968 về Biển báo - Tín hiệu, thuyết minh, giải thích rõ hơn ý nghĩa của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch sơn trên mặt đường để người dân dễ nhận thức từ đó chấp hành luật tốt hơn, phòng ngừa tai nạn giao thông.

    Về quy tắc giao thông đường bộ

    Gồm 32 điều, từ Điều 13 đến Điều 44 với các nội dung cơ bản như: quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách… để bảo đảm an toàn cho mình và cho người tham gia giao thông khác, đây là những quy tắc an toàn bắt buộc mọi người phải chấp hành, nếu vi phạm có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho mình và cho người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật, trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn hợp lý của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định đang tồn tại ở các văn bản dưới luật, bổ sung một số quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông...

    Về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

    Phương tiện tham gia giao thông

    Gồm 05 điều, từ Điều 45 đến Điều 49 với các nội dung cơ bản như: Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; cấp đăng ký và biển số xe cơ giới; thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, trên cơ sở luật hóa nhiều quy định tồn tại ở các thông tư về đăng ký phương tiện và bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và phù hợp thực tiễn Việt Nam.

    Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

    Gồm 08 điều, từ Điều 50 đến Điều 57 với các nội dung cơ bản như: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe, bảo đảm phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ, hệ thống pháp luật về lao động, pháp luật của nhiều quốc gia và phù hợp thực tiễn.

    Về tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ

    Gồm 05 điều, từ Điều 58 đến Điều 62 quy định cụ thể các nội dung trong tổ chức giao thông; giải quyết những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông; về nguyên tắc và các biện pháp phân luồng giao thông, nguyên tắc giải quyết ùn tắc giao thông, biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông trong các trường hợp cụ thể. Đây là các nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện.

    Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ

    Gồm 07 điều, từ Điều 63 đến Điều 69 quy định cụ thể về nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của ngành Y tế, trách nhiệm của Bộ Công an, trách nhiệm của cơ quan bảo trì, khai thác đường bộ, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm, Ủy ban nhân dân các cấp trong giải quyết tai nạn giao thông.

    Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008 để bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức; khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

    Về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý

    Gồm 06 điều, từ Điều 70 đến Điều 75 quy định về tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ; kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp; giám sát việc thực thi pháp luật; trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện và các tổ chức, cá nhân khác gây cản trở, mất an toàn giao thông đường bộ.

    Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức và trách nhiệm của các chủ thể trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tiến tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.

    Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

    Gồm 10 điều, từ Điều 76 đến Điều 85 quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gồm:

    (1) Xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

    (2) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (3) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

    (4) An toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

    (5) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

    (6) Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

    (7) Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ;

    (8) Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ;

    (9) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trung tâm giám sát, điều khiển giao thông đường bộ;

    (10) Thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe;

    (11) Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

    (12) Hợp tác quốc tế về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

     Điều khoản thi hành

    Gồm 02 điều, từ Điều 86 đến Điều 87, quy định về ngày có hiệu lực thi hành của Luật và cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành, theo đó Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

    Xem chi tiết tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

    Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!

     
    7458 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận