Nhà phân phối phải thành lập doanh nghiệp mới được phân phối sản phẩm?

Chủ đề   RSS   
  • #602760 23/05/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (268)
    Số điểm: 2117
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 22 lần


    Nhà phân phối phải thành lập doanh nghiệp mới được phân phối sản phẩm?

    Trong hoạt động kinh doanh, nhà phân phối là khâu trung gian, thực hiện việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Vậy nhà phân phối có phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động phân phối không?

    1. Nhà phân phối là gì?

    Hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết về nhà phân phối. Tuy nhiên, định nghĩa về phân phối được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Cụ thể, phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Trong đó:

    - Hoạt động bán buôn được hiểu là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác;

    -  Hoạt động bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng;

    - Hoạt động đại lý bán hàng được hiểu là bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình bán hàng hóa cho bên giao đại lý để hưởng thù lao;

    - Hoạt động nhượng quyền thương mại là hoạt động mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá.

    Như vậy, nhà phân phối là chủ thể thực hiện hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại.

    2. Hoạt động của nhà phân phối

    Nhà phân phối đóng vai trò trung gian, đưa sản phẩm của các nhà sản xuất đến với đại lý, cửa hàng hay khách hàng. Hiểu một cách đơn giản, nhà phân phối nhập hàng từ các doanh nghiệp, công ty và sau đó bán sản phẩm đó cho nhà phân phối nhỏ hơn, đại lý, cửa hàng hay trực tiếp cho khách hàng để tìm kiếm lợi nhuận dựa trên chênh lệch giá.

    Bên cạnh việc phân phối sản phẩm thì nhà phân phối còn là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho sản phẩm như dịch vụ bảo hành, sửa chữa sản phẩm hay các dịch vụ sau bán hàng.

    3. Thành lập nhà phân phối

    Thông thường, một tổ chức do con người lập ra và “khoác lên” cho nó một địa vị pháp lý nhất định, điều này giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại. Và nhà phân phối cũng không ngoại lệ. Một nhà phân phối cần có một mô hình kinh doanh cụ thể, nếu một cá nhân hoặc một hộ gia đình góp vốn để thực hiện hoạt động phân phối thì có thể đăng ký hộ kinh doanh; nếu muốn thực hiện hoạt động kinh doanh lớn hơn thì có thể thành lập doanh nghiệp, có 05 loại hình doanh nghiệp để lựa chọn bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh.

    Như đã trình bày trước đó thì hiện nay chưa có văn bản quy định về nhà phân phối nên có thể dựa trên quy định về pháp luật doanh nghiệp và thương mại để xác định địa vị pháp lý của nhà phân phối. Theo đó, nhà phân phối có thể được thành lập dưới mô hình hộ kinh doanh và 05 loại hình doanh nghiệp trên. Ngoài ra, đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

    Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ trình bày về thủ tục thành lập nhà phân phối theo mô hình hộ kinh doanh.

    Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

    Để đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì người đăng ký nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh. Hồ sơ bao gồm (Khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

    - Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

    - Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

    - Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

    - Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

    Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

    Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

    Như vậy, nhà phân phối không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp mà có thể thành lập hộ kinh doanh để tiến hành các hoạt động phân phối của mình như bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại.

     
    3033 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận