Nhà cung cấp dịch vụ lặn giải trí cần đáp ứng các yêu cầu gì?

Chủ đề   RSS   
  • #610217 03/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 471 lần


    Nhà cung cấp dịch vụ lặn giải trí cần đáp ứng các yêu cầu gì?

    TCVN 13831:2023 quy định về các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ lặn giải trí để giảm thiểu rủi ro, mức độ nguy hiểm cho người tham gia cũng như bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhất là các hệ sinh thái biển dễ bị tổn hại như rạn san hô.

    (1) Tiêu chuẩn hóa hoạt động lặn biển giải trí

    Lặn biển là một hoạt động nguy hiểm, đòi hỏi người lặn phải có chuyên môn và phải có đầy đủ các thiết bị cần thiết để thực hiện việc lặn biển.

    Nhiều năm trở lại đây, các mô hình lặn biển giải trí cho phép du khách lặn biển, ngắm hệ sinh thái dưới biển càng ngày càng phổ biến và được nhiều người tham gia.

    Những người tham gia có thể là người đã có kinh nghiệm, cũng có thể là người mới tham gia lần đầu, nên việc tiêu chuẩn hóa các hoạt động lặn biển và yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ lặn biển giải trí là hết sức cần thiết để bảo vệ người tham gia và hệ sinh thái biển. 

    Các tiêu chuẩn được đặt ra ở TCVN 13831:2023 rất chặt chẽ, phạm vi điều chỉnh từ người tham gia đến nhân viên, từ thiết bị đến các công tác chuẩn bị trước khi lặn biển.

    Mặc dù lặn giải trí có khả năng gây nguy hiểm, rủi ro cho người tham gia, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, nhưng nếu áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp sẽ giảm được các nguy cơ xuống mức chấp nhận được

    (2) Yêu cầu chung đối với hoạt động lặn biển giải trí

    Các yêu cầu chung đối với nhà cung cấp dịch vụ lặn giải trí được quy định tại TCVN 13831:2023 như sau:

    Về người tham gia:

    - Nếu người tham gia là trẻ vị thành niên hoặc nhóm người dễ bị tổn thương thì nhà cung cấp phải nhận thức được các trách nhiệm bổ sung mà nhóm người này yêu cầu.

    - Phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp nếu khách hàng đang ở tuổi vị thành niên.

    Về thông tin cung cấp cho khách hàng:

    Nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp các thông tin liên quan tại địa phương sau cho khách hàng:

    - Các điều kiện về trách nhiệm của mỗi bên liên quan tính từ khi bắt đầu, cung cấp và chấm dứt dịch vụ;

    - Sự ảnh hưởng đối với nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng nếu một trong hai bên chọn hủy dịch vụ;

    - Các điều kiện tiên quyết và các yêu cầu về trình độ chuyên môn để tiếp nhận dịch vụ (ví dụ: chứng nhận về y tế, trình độ chuyên môn của thợ lặn);

    - Các yêu cầu về thiết bị;

    - Giá dịch vụ;

    - Các yêu cầu về bảo hiểm;

    - Các lưu ý về môi trường bao gồm các khuyến nghị đối với thợ lặn để giảm thiểu tác động đối với môi trường;

    - Các yêu cầu pháp lý và pháp luật liên quan đến loại hình dịch vụ lặn cụ thể.

    Nếu dịch vụ được cung cấp liên quan đến đào tạo thì bổ sung thêm thông tin sau:

    - Mức độ cao nhất của trình độ chuyên môn;

    - Phạm vi của khóa đào tạo;

    - Quy trình thực hiện khóa đào tạo;

    - Phương pháp, phương thức đánh giá và các tiêu chí để hoàn thành khóa đào tạo;

    - Lưu giữ hồ sơ dữ liệu cá nhân của khách hàng và những hồ sơ này có thể được chuyển cho một cơ sở đào tạo.

    Trong trường hợp hoạt động lặn có hướng dẫn hoặc lặn có tổ chức, phải cung cấp thông tin bổ sung sau:

    - Thông tin liên quan đến địa điểm lặn, các mối nguy đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của chuyến lặn (ví dụ: các vật cản dưới nước);

    - Các sắp xếp liên quan đến các nhóm bạn lặn và/hoặc quy mô nhóm lặn;

    - Các giới hạn về thời gian và/hoặc độ sâu.

    Ngoài ra, nhà cung cấp phải thông tin đến khách hàng của mình các điều khoản an toàn như:

    - Danh tính và vai trò của nhân viên;

    - Quy trình khẩn cấp;

    - Phân công nhiệm vụ của bạn lặn/hoặc phân công nhiệm vụ trong nhóm lặn;

    - Các hành động cần thiết của khách hàng.

    Về việc đánh giá rủi ro

    Nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo việc đánh giá rủi ro được thực hiện trước mỗi hoạt động dưới nước và phải áp dụng các quy trình để đảm bảo rằng tất cả các rủi ro được kiểm soát ở mức thích hợp nhất có thể. Việc đánh giá dựa trên các yếu tố sau:

    - Chuyển động của nước (ví dụ: dòng nước, tác động của sóng);

    - Độ sâu;

    - Tầm nhìn dưới nước;

    - Nhiệt độ;

    - Sự ô nhiễm;

    - Các phương pháp vào và ra khỏi môi trường lặn;

    - Các khu vực giới hạn;

    - Địa điểm phù hợp với các hoạt động được lên kế hoạch bao gồm cả động vật và thực vật nguy hiểm;

    - Kế hoạch hành động khẩn cấp.

    Nhà cung cấp dịch vụ có quyền ngăn cản bất kỳ khách hàng nào tham gia vào hoạt động nếu theo đánh giá rủi ro, điều này được coi là vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và/hoặc của các khách hàng khác.

    Về quy trình hỗ trợ trên mặt nước

    - Nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo mỗi người (khách hàng và nhân viên) khi xuống nước và lên khỏi mặt nước đều được kiểm đếm

    - Đối với mỗi nhóm lặn trong vùng nước mở, thời gian hoạt động tối đa phải được thỏa thuận. Các quy trình phải được thực hiện để kích hoạt các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn nếu thời gian lặn vượt quá quy định.

    Về hoạt động của tàu thuyền

    Nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo rằng khi được yêu cầu nhân viên phải có đủ năng lực thực hiện những nội dung sau đây:

    - Lựa chọn, xác định vị trí và đánh giá các địa điểm;

    - Đảm bảo an toàn cho những người tham gia khi đi xuống nước và đi lên khỏi mặt nước;

    - Giám sát sự an toàn và an ninh của khu vực diễn ra hoạt động;

    - Tìm kiếm những người tham gia trong các tình huống thông thường;

    - Tìm kiếm những người tham gia trong các tình huống khẩn cấp bao gồm cả các tình huống thợ lặn có thể bị mất hết sức lực;

    - Gọi những người tham gia quay trở lại;

    - Tìm kiếm những người tham gia bị mất tích;

    - Liên hệ với các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp.

    Nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo khách hàng được thông báo ngắn gọn về tàu thuyền, hoạt động và môi trường cụ thể, gồm những điều sau:

    - Thiết bị và quy trình khẩn cấp;

    - Ứng xử chung trên tàu thuyền;

    - Bảo quản thiết bị trên tàu thuyền;

    - Hệ thống các cấp chỉ huy và trách nhiệm;

    - Các phương thức điểm danh;

    - Chuẩn bị các cách đi xuống nước và đi lên khỏi mặt nước an toàn.

    - Cách giao tiếp giữa những người tham gia với tàu thuyền, ví dụ: sử dụng tín hiệu, phao đánh dấu bề mặt mở trễ.

    Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động lặn với bình dưỡng khí hoặc lặn với ống thở, tàu thuyền phải được trang bị những thiết bị sau:

    - Các phương tiện để xuống và lên khỏi mặt nước một cách an toàn (ví dụ: thang, bệ gắn kèm thang để lên tàu thuyền);

    - Cờ lặn;

    - Các quy định về bảo quản thiết bị an toàn, đặc biệt là xy lanh.

    Các điều kiện hoạt động hoặc môi trường cụ thể có thể yêu cầu thiết bị bổ sung, ví dụ:

    - Đèn lặn ban đêm;

    - Các dụng cụ dùng để dừng nén khí (bao gồm cả việc cung cấp khí thở bổ sung);

    - Súng bắn lặn;

    - Dây dòng;

    - Ống nhòm.

    Về thiết bị khẩn cấp

    Đối với tất cả các địa điểm diễn ra các hoạt động lặn với bình dưỡng khí và lặn với ống thở, nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo có sẵn các thiết bị sau:

    - Bộ sơ cứu phù hợp với các hoạt động đã lên kế hoạch;

    - Hệ thống thông tin liên lạc thích hợp để cảnh báo các dịch vụ khẩn cấp;

    - Thiết bị oxy khẩn cấp có công suất cung cấp oxy nguyên chất ít nhất 15 L/min và trong ít nhất 20 min.

    Về quy trình khẩn cấp

    Tại mỗi địa điểm diễn ra các hoạt động dưới nước, phải có một kế hoạch khẩn cấp được lập thành văn bản có sẵn ít nhất các thông tin sau:

    - Các quy trình cứu nạn, hồi sức và sơ tán thương vong;

    - Sử dụng nguồn cung cấp oxy khẩn cấp;

    - Thông tin (bao gồm các địa chỉ liên hệ chi tiết) về lời khuyên y tế khẩn cấp (ví dụ: “đường dây nóng” cấp cứu lặn thích hợp) và các nguồn lực y tế gần nhất (bao gồm dữ liệu về sự sẵn có của buồng nén siêu âm trong trường hợp hoạt động lặn với bình dưỡng khí).

    - Trong quá trình lặn ở vùng nước mở người hướng dẫn lặn hoặc trưởng nhóm lặn thay mặt cho nhà cung cấp dịch vụ ít nhất phải được trang bị thiết bị lặn được liệt kê trong Điều 3.3 TCVN 13831:2023

    - Nếu thiết bị được cung cấp cho khách hàng để sử dụng trong đào tạo hoặc trong hoạt động lặn có hướng dẫn hoặc có tổ chức thì được xem là dịch vụ riêng và phải áp dụng Điều 10 TCVN 13831:2023

    Về việc lưu trữ tài liệu

    Nhà cung cấp dịch vụ phải lưu giữ các tài liệu sau về tất cả nhân viên cung cấp dịch vụ:

    - Tên, địa chỉ và ngày sinh;

    - Quá trình đào tạo/trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và Tờ khai y tế;

    - Các nhiệm vụ được giao cho từng nhân viên.

    Nhà cung cấp dịch vụ phải có tài liệu chứng minh tất cả các nhân viên đều có trình độ chuyên môn liên quan và phù hợp với nhiệm vụ hiện tại của họ. Tài liệu chứng minh về trình độ chuyên môn phải sẵn có để cung cấp theo yêu cầu của học viên.

    (3) Kết luận

    Ngoài các yêu cầu chung ở trên, TCVN 13831:2023 còn phân loại từng loại hình, mục đích lặn biển để từ đó có các quy định chi tiết về yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ lặn giải trí cho phù hợp

    Ví dụ như nhà cung cấp dịch vụ cung cấp các chuyển lặn có ống thở với mục đích du ngoạn, thì các hoạt động này phải đáp ứng các yêu cầu của TCVN 13827 (ISO 13289).

    Hay việc nhập môn về các hoạt động lặn với học viên chưa qua đào tạo lặn trước đó phải được tổ chức theo TCVN 13551 (ISO 11121).

    Các tiêu chuẩn được đặt ra nhằm bảo đảm an toàn cho người lặn, người hướng dẫn lặn và hệ sinh thái biển, các nhà cung cấp dịch vụ lặn biển giải trí hoặc chuẩn bị cung cấp dịch vụ lặn biển giải trí nên hết sức lưu ý và thực hiện theo TCVN 13831:2023 để đảm bảo các quy tắc an toàn khi lặn biển và tổ chức lặn biển giải trí.

     
    223 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận