Nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Chủ đề   RSS   
  • #609128 08/03/2024

    Nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

    Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp là các hoạt động có sự tham gia hoặc được tài trợ bởi đối tác nước ngoài có toàn bộ hoặc một phần nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp.
     
    Và hiện nay quy định về Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 26/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/5/2024. Cụ thể:
     
    Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp
     
    Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 26/2024/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác bao gồm:
     
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước ở trung ương).
     
    - Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (các tổ chức), các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học - công nghệ (các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học) được thành lập theo quy định pháp luật có liên quan (sau đây gọi chung là các tổ chức, các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học).
     
    - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
     
    - Các đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của các chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế nêu trên.
     
    Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp
     
    Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 26/2024/NĐ-CP thì việc hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
     
    - Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
     
    - Không ký kết, thực hiện các hoạt động hợp tác phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia.
     
    - Chủ động lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.
     
    - Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hợp tác tốt với Việt Nam, chú trọng tính bền vững của hoạt động hợp tác.
     
    - Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và đề cao trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
     
    Nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp
     
    Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 26/2024/NĐ-CP, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm những nội dung và hình thức sau:
     
    - Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau:
     
    + Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
     
    + Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
     
    + Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật.
     
    + Cải cách tư pháp.
     
    - Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện dưới các hình thức sau:
     
    + Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
     
    + Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án.
     
    + Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.
     
    Ngoài các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp nêu trên thì có thể thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.
     
    301 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận