Nguyên tắc "first to file" trong sở hữu trí tuệ, có gì đáng chú ý?

Chủ đề   RSS   
  • #494312 15/06/2018

    tangoctram1101ulaw
    Top 500
    Female


    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:14/10/2015
    Tổng số bài viết (134)
    Số điểm: 2194
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 83 lần


    Nguyên tắc "first to file" trong sở hữu trí tuệ, có gì đáng chú ý?

    Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file) là một trong hai nguyên tắc bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam và được quy định tại Điều 90 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009.

    + Theo nguyên tắc này trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt với nhau hoặc các nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ[1].

    + Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp cho một đối tượng có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên thì chỉ chấp nhận bảo hộ cho một đơn duy nhất theo thỏa thuận các các chủ đơn này. Nếu các chủ đơn không thỏa thuận được thì đối tượng đó sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ[2].

    + Liên quan đến “ngày ưu tiên” của nguyên tắc ưu tiên: Trong trường hợp bạn đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế thì người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên trong thời hạn nhất định[3].

    Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian kể từ ngày nộp đơn đầu tiên tại quốc gia là thành viên Công ước đến ngày nộp đơn tại quốc gia thành viên khác mà có chủ thể khác nộp đơn xen vào cho cùng đối tượng trong đơn đầu tiên thì đơn của bạn vẫn được coi là có cùng ngày nộp đơn với ngày nộp đơn đầu tiên (tức đơn của bạn được nộp vào “ngày ưu tiên”) và được ưu tiên bảo hộ.

                               

    Nguyên tắc này được áp dụng khi có nhiều người khác nhau cùng nộp đơn đăng ký bảo hộ đối với trường hợp:

    a) Sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau[4].

    b) Nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn[5].

    Khi đó, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp nếu đáp ứng các điều kiện như: đơn hợp lệ; có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số tất cả những đơn đó.

    Trong trường hợp, có nhiều đơn đăng ký đều đáp ứng yêu cầu trên thì những người nộp đơn phải thỏa thuận với nhau. Nếu như không thỏa thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp[6].

    Như vậy, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên này sẽ đảm bảo cho việc một đối tượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ được cấp cho một người duy nhất. Khi đơn của bạn có nhiều người hoặc nhiều đơn trùng hoặc tương tự mà dễ gây ra nhầm lẫn thì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp khi: đơn của bạn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra, nguyên tắc này khuyến khích các chủ thể nộp đơn sớm từ đó thời hạn bảo hộ được bắt đầu sớm và kết thúc sớm, do đó đối tượng được bảo hộ sẽ được ứng dụng rộng rãi sớm hơn.

     


    [1] Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung 2009.

    [2] Khoản 3 Điều 90 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung 2009.

    [3] Theo Công ước Paris, thời hạn hưởng quyền ưu tiên đối với sáng chế là 12 tháng tính từ ngày nộp đơn đơn đầu tiên và 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu

    [4] Khoản 1 Điều 90 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung 2009.

    [5] Khoản 2 Điều 90 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung 2009.

    [6] Khoản 3 Điều 90 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung 2009

     

     
    11410 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn tangoctram1101ulaw vì bài viết hữu ích
    greenpc (07/08/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận