Nguyên tắc, chính sách của công tác xã hội từ ngày 15/10/2024

Chủ đề   RSS   
  • #616264 12/09/2024

    tlthuthao21899
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam --> Bến Tre
    Tham gia:06/12/2019
    Tổng số bài viết (480)
    Số điểm: 3645
    Cảm ơn: 4
    Được cảm ơn 53 lần


    Nguyên tắc, chính sách của công tác xã hội từ ngày 15/10/2024

    Ngày 30/08/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội quy định về quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội; điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội; thực hành nghề công tác xã hội; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội, có hiệu lực từ 15/10/2024.

    Nguyên tắc của công tác xã hội được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 5 Nghị định 110/2024/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc của công tác xã hội như sau:

    - Tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

    - Thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống.

    - Tập trung vào điểm mạnh, tận dụng các nguồn lực sẵn có của đối tượng để thúc đẩy việc trao quyền.

    - Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội, bảo đảm đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp và chất lượng.

    - Thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn lực một cách công bằng, minh bạch theo nhu cầu của đối tượng.

    - Tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội, màu da, chủng tộc, vùng miền, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc điểm sức khỏe của đối tượng.

    - Bảo đảm mọi quyết định đưa ra vì lợi ích tốt nhất của đối tượng.

    Như vậy, việc tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là một trong các nguyên tắc của công tác xã hội mà pháp luật quy định.

    Chính sách của Nhà nước về công tác xã hội bao gồm những gì?

    Căn cứ Điều 6 Nghị định 110/2024/NĐ-CP có quy định về chính sách của Nhà nước về công tác xã hội như sau:

    - Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

    - Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

    - Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

    Như vậy, Nhà nước ta sẽ giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập, đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

    Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi có phải là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công tác xã hội không?

    Căn cứ Điều 10 Nghị định 110/2024/NĐ-CP có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công tác xã hội như sau:

    - Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

    - Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

    - Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

    - Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

    - Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    Như vậy, việc lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công tác xã hội.

     
     
    38 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận