Người nước ngoài khi nhận di sản thừa kế tại Việt Nam nên biết điều gì?

Chủ đề   RSS   
  • #522807 05/07/2019

    shinichi45

    Female
    Mầm

    Bến Tre, Việt Nam
    Tham gia:05/11/2015
    Tổng số bài viết (62)
    Số điểm: 805
    Cảm ơn: 52
    Được cảm ơn 90 lần


    Người nước ngoài khi nhận di sản thừa kế tại Việt Nam nên biết điều gì?

    Người nước ngoài khi được hưởng di sản thừa kế tại Việt Nam sẽ phải chịu hạn chế bởi một số quy định của pháp luật. Bài viết dưới dây giúp người nước ngoài biết được quyền lợi của mình khi nhận di sản thừa kế đối với một số loại tài sản.

    1. Đối với di sản thừa kế là đất ở:

    Căn cứ Điều 5, Điều 186 Luật Đất đai 2013 thì đối tượng là người nước ngoài sẽ không được nhận chuyển quyền sử dụng đất và người nước ngoài nhận thừa kế đất ở theo di chúc sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Như vậy, khi người nước ngoài nhận thừa kế tài sản là đất ở thì chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất. 

    2. Đối với di sản thừa kế là nhà ở:

    *** Người nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

    Điều kiện để người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Căn cứ Điều 159, 160 Luật Nhà ở 2014):

    -Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

    -Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

    -Cá nhân nước ngoài:

    + Phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam;

    + Không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

    Điều kiện của nhà ở được sở hữu thông qua hình thức nhận thừa kế: phải là nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

    Số lượng nhà ở được sở hữu thông qua nhận thừa kế:

    + sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư;

    + sở hữu không quá 250 căn nhà, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường;

    Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định, cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu;

    Người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Thời hạn sở hữu nhà ở phải ghi rõ trong giấy chứng nhận.

    Như vậy, người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhận thừa kế tài sản là nhà ở thì có thể làm thủ tục để được công nhận quyền sở hữu nhà ở trong số lượng quy định hoặc thực hiện các quyền của chủ sở hữu khác như công dân Việt Nam, ví dụ: bán, cho thuê… (Căn cứ Điều 161 Luật Nhà ở 2014)

    Đối với nhà ở không thỏa một trong các điều kiện trên thì người nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó;

    *** Người nước ngoài không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó (căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014).

    3. Đối với di sản thừa kế là tiền mặt

    Người nước ngoài được quyền chuyển số tiền này ra nước ngoài theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối 2005 sửa đổi 2013, Thông tư 15/2011/TT-NHNN . Cụ thể:

    + Cá nhân khi xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt và vàng trên mức 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; hoặc trên 15.000.000 VNĐ phải khai báo hải quan cửa khẩu và xuất trình giấy tờ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    + Người cư trú là tổ chức tín dụng được phép thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

    Tuy nhiên, nếu mang séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và giấy tờ khác có giá trị bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam thì không cần phải khai báo.

    Như vậy, khi bạn là người nước ngoài nhận di sản thừa kế tại Việt Nam nên lưu ý cách xử lý đối với các tài sản trên nhé.

    Cập nhật bởi shinichi45 ngày 05/07/2019 08:14:32 SA
     
    1699 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn shinichi45 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (05/07/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận