Người bị tâm thần có được nhận làm con nuôi không?

Chủ đề   RSS   
  • #602477 12/05/2023

    camnhungtng
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:15/12/2022
    Tổng số bài viết (238)
    Số điểm: 1907
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 20 lần


    Người bị tâm thần có được nhận làm con nuôi không?

    Nhận con nuôi là nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người được nhận nuôi có được mái nhà, được yêu thương, chăm sóc. Tuy nhiên, đối với người bị tâm thần thì có được nhận làm con nuôi không?

    1. Nuôi con nuôi là gì?

    Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010, nuôi con nuôi được định nghĩa là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Như vậy, nuôi con nuôi là việc nhận người khác làm cha, mẹ và nhận người khác làm con, từ đó phát sinh quan hệ cha con, mẹ con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

    2. Điều kiện người được nhận làm con nuôi

    Không phải ai cũng được nhận làm con nuôi mà cần đáp ứng các điều kiện theo pháp luật. Theo đó, người được nhận làm con nuôi phải là người trong độ tuổi (Khoản 1, 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010):

    Trẻ em dưới 16 tuổi.

    Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

    • Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
    • Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

    Như vậy, pháp luật chỉ quy định điều kiện về độ tuổi để một người có thể trở thành con nuôi mà không đề cập đến vấn đề về năng lực hành vi dân sự như bị tâm thần nên có thể xác định rằng, người bị tâm thần vẫn được nhận làm con nuôi nếu đáp ứng điều kiện về độ tuổi. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi nên việc nhận người bị tâm thần làm con nuôi là nghĩa cử tốt đẹp, nhân văn và được khuyến khích.

    3. Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi

    Việc nhận con nuôi được chia ra hai trường hợp là nhận con nuôi trong nước và nhận con nước ngoài, mỗi trường hợp sẽ yêu cầu hồ sơ khác nhau, cụ thể:

    Theo Khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi 2010, hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

    Giấy khai sinh;

    Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

    Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

    Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

    Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

    Đối với hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài thì ngoài các giấy tờ, tài liệu như hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước thì trong hồ sơ còn có (Khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi 2010):

    Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

    Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành.

    Như vậy, người bị tâm thần vẫn được nhận làm con nuôi nếu đáp ứng điều kiện về độ tuổi theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi 2010. Theo đó, người được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi. Ngoài ra, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng được nhận làm con nuôi nếu được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

     
    265 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận