Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không?

Chủ đề   RSS   
  • #617528 16/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 472 lần


    Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không?

    Khi kỳ nghỉ thai sản trùng với các ngày lễ, Tết, liệu có được hưởng thêm lương hay không? Cùng tìm hiểu câu trả lời chính xác qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, có được hưởng lương ngày lễ không?

    Theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Giỗ Tổ Hùng Vương,...v.v.

    Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ nhận được một khoản tiền hỗ trợ thai sản.

    Vì vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, liệu người lao động có được nhận tiền chế độ thai sản từ BHXH cùng với tiền lương trong những ngày nghỉ lễ hay không? Nếu không, người lao động sẽ gặp bất lợi khi mất đi một ngày nghỉ hưởng nguyên lương.

    Liên quan đến vấn đề này, khoản 7 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

    Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Như vậy, ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, có thể hiểu là khi nghỉ chế độ thai sản thì các mức hưởng của chế độ thai sản sẽ không tính cho mức hưởng của các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết.

    Vì thế, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc trước ngày nghỉ lễ (ví dụ: thời gian kết thúc nghỉ thai sản là ngày 29/4, đến 30/4 nghỉ lễ) thì người lao động sẽ được nghỉ lễ hưởng nguyên lương, vì lúc này ngày nghỉ lễ được xem là ngày nghỉ có hưởng lương không phải ngày nghỉ thai sản.

    Ngược lại, nếu thời gian nghỉ thai sản kết thúc sau ngày nghỉ lễ, tức thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ thì người lao động sẽ chỉ nhận được khoản tiền chế độ thai sản từ BHXH mà không được hưởng thêm lương trong những ngày lễ, vì ngày nghỉ lễ đã được tính vào thời gian nghỉ thai sản.

    Tổng kết lại, khi thời gian nghỉ thai sản trùng với ngày nghỉ lễ, người lao động sẽ không được hưởng lương ngày lễ. Điều này có thể tạo ra sự bất lợi cho người lao động, vì họ sẽ không nhận được khoản lương tương ứng cho ngày nghỉ lễ trong thời gian nghỉ thai sản.

    Do đó, người lao động cần lưu ý về thời gian nghỉ thai sản của mình để có thể lập kế hoạch tài chính hợp lý và tránh mất quyền lợi trong những dịp lễ, tết.

    (2) Người lao động có những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ lễ, nghỉ tết trong các ngày sau dây:

    - Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

    - Tết Âm lịch: 05 ngày;

    - Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

    - Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

    - Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

    - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

    Theo đó, khi đến những ngày này, người lao động sẽ được nghỉ việc, hưởng nguyên tiền lương như một ngày làm việc bình thường.

    Ngoài ra, nếu lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các ngày nghỉ nêu trên, người này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

    (3) Người lao động được nghỉ chế độ thai sản bao lâu?

    Căn cứ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người lao động được quy định như sau:

    Đối với lao động nữ:

    - Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

    Lưu ý: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

    - Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

    Đối với lao động nam:

    - Khi vợ sinh con, được nghỉ 05 ngày làm việc;

    - Trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ 07 ngày làm việc

    - Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

    - Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

    Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho lao động nam chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

     
    298 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận