Ngân hàng có được ép khách mua bảo hiểm?

Chủ đề   RSS   
  • #591185 20/09/2022

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Ngân hàng có được ép khách mua bảo hiểm?

    Khi khách hàng đến ngân hàng thực hiện thủ tục gửi tiền hay vay vốn thường được phía ngân hàng mời chào mua bảo hiểm từ nhân thọ, bảo hiểm xe máy các loại,... Tình trạng này không hiếm gặp và cũng không vi phạm pháp luật.
     
    ngan-hang-co-duoc-ep-khach-hang-mua-bao-hiem
     
    Tuy nhiên, theo quy định hiện nay dù không cấm phía ngân hàng thực hiện việc bán bảo hiểm cho khách nhưng phải trên tinh thần tự nguyện. Dù vậy, một số nơi lợi dụng khách hàng ít tìm hiểu hoặc đang cần tiền gấp mà làm khó khách hàng để mua bảo hiểm thì mới thực hiện giao dịch. Điều này tạo nên sự tiêu cực cho khách hàng mỗi khi đến giao dịch và thực hiện nhiều thủ tục như chào hàng rồi mới chịu giải ngân cho khách.
     
    Nghiêm cấm ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
     
    Hiện nay, đa phần các ngân hàng thường liên kết với bên kinh doanh bảo hiểm để cùng nhau hợp tác phân chia lợi nhuận. Tuy nhiên, theo Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010) nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm có các hành vi sau đây:
     
    Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
     
    Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện bảo hiểm, làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.
     
    Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2016/NĐ-CP còn quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.
     
    Theo nguyên tắc trên, ngân hàng thực hiện môi giới hay bán bảo hiểm cho khách hàng khi đến thực hiện giao dịch được quyền chào bán bảo hiểm nhưng trên nguyên tắc tự nguyện và nghiêm cấm phía ngân hàng chèn ép hay dùng thủ đoạn ép buộc khách phải mua bảo hiểm.
     
    Nghĩa vụ của tổ chức ngân hàng
     
    Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm phải có nghĩa vụ và quyền theo khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN như sau: 
     
    Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không mang tính bắt buộc.
     
    Quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp BHNT.
     
    Phối hợp với doanh nghiệp BHNT theo dõi đầy đủ, chính xác và chuyển toàn bộ các khoản phí bảo hiểm thu được và bất kỳ khoản thanh toán của khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp BHNT; chi trả quyền lợi và các khoản thanh khác cho khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.
     
    Bồi thường và bồi hoàn cho doanh nghiệp BHNT các khoản phí và chi phí phát sinh do hành vi vi phạm của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gây ra.
     
    Xử phạt hành chính hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm
     
    Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngăn chặn doanh nghiệp, chi nhánh có hành vi ép buộc người khác mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP) như sau:
     
    Phạt tiền 80 triệu - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
     
    Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
     
    Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
     
    Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính.
     
    Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
     
    Ngoài ra, còn đình chỉ hoạt động từ 02 tháng - 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm.
     
    Lưu ý: Cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½ tổ chức.
     
    Như vậy, tổ chức ngân hàng khi thực hiện môi giới hoặc liên kết kinh doanh bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia trên tinh thần tự nguyên. Nghiêm cấm ngân hàng có hành vi lợi dụng chức vụ mà làm khó người dân đến giao dịch để ép mua bảo hiểm, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 02 - 03 tháng.
     
    977 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (20/09/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #591207   21/09/2022

    Ngân hàng có được ép khách mua bảo hiểm?

    Cảm ơn thông tin hữu ích mà tác giả chia sẻ. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định rõ nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Không một cá nhân tổ chức kinh doanh nào được ép buộc khách hàng của mình mua bảo hiểm. Do đó, các chiêu trò ép khách hàng mua bảo hiểm từ các ngân hàng sẽ bị xem là vi phạm pháp luật

     
    Báo quản trị |  
  • #591226   21/09/2022

    nguyenhoangvy15
    nguyenhoangvy15
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:30/08/2022
    Tổng số bài viết (271)
    Số điểm: 3398
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 59 lần


    Ngân hàng có được ép khách mua bảo hiểm?

    Cảm ơn thông tin bạn đã chia sẻ. Chiêu trò ép khách hàng mua Bảo hiểm xong mới giải ngân thật ra đã xuất hiện từ lâu, nhưng vì người dân không nắm rõ quyền và nghĩa vụ các bên nên buộc “bị ép” mua trọn gói bảo hiểm mới cho vay, cũng do một phần nhân viên ngân hàng phải hoàn thành chỉ tiêu của mình nên tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều.

     

     
    Báo quản trị |