Thứ nhất, lệ phí trước bạ xe máy được tính dựa trên mức thu lệ phí trước bạ và Giá tính lệ phí trước bạ.
Trong đó:
- Mức thu lệ phí trước bạ: Căn cứ theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ mức thu đối với xe máy là 2%, trừ các trường hợp:
+ Xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 5%.
+ Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn quy định tại điểm a khoản này thì nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 5%.”
- Giá tính lệ phí trước bạ: Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về giá tính lệ phí trước bạ thì giá tính lệ phí trước bạ đối với tài sản là ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô (sau đây gọi chung là ô tô) và xe máy là giá tại Quyết định về Bảng giá tính lệ phí trước bạ do Bộ Tài chính ban hành.
=> Bảng giá tính lệ phí trước bạ do Bộ Tài chính ban hành sẽ thường xuyên được bổ sung, sửa đổi để đảm bảo phù hợp với giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm xây dựng Bảng giá. Các Bản giá giá tính lệ phí được quy định và sửa đổi tại các quyết định sau:
+ Quyết định 2064/QĐ-BTC ngày 25/10/2019.
+ Quyết định 452/QĐ-BTC ngày 31/3/2020.
+ Quyết định 1238/QĐ-BTC ngày 21/8/2020.
Thứ hai, trách nhiệm niêm yết giá
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật giá 2012 về niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất; kinh doanh phải thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp; rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua; giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn thì các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Thứ ba, hành vi tăng giá xe là hành vi vi phạm
Căn cứ tại điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 13. Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.…”
Từ đó, việc cố tình bán giá cao hơn, thông đồng đẩy giá xe máy cao hơn là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc cố tình nâng giá bán cũng là hành vi trốn thuế trong hoạt động mua bán xe theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020
“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[…]
c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế”
Như vậy, việc bán xe với giá cao hơn trước bạ (giá trị trên hóa đơn bán hàng) là hành vi vi phạm pháp luật về lệ phí, thuế.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.