Mức chi kinh phí bầu cử - Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 102/2020/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thông tư nêu rõ, các cấp phải đảm bảo tiết kiệm chi cho hoạt động này.
Cụ thể đối với mức chi tại trung ương:
1. Chi tổ chức hội nghị:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Chi tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia phục vụ công tác tổ chức bầu cử thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Quyết định 323/QĐ-BTC đính chính Thông tư 36/2018/TT-BTC.
Riêng chi tổ chức các hội nghị do Hội đồng bầu cử quốc gia triệu tập áp dụng theo chế độ chi phục vụ kỳ họp Quốc hội gần nhất đối với các nội dung: ăn, nghỉ, giải khát, bồi dưỡng đại biểu tham dự.
2. Chi bồi dưỡng các cuộc họp:
* Các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
- Chủ trì cuộc họp: 200.000 đồng/người/buổi.
- Thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi.
- Các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.
* Các cuộc họp khác liên quan đến công tác bầu cử:
- Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi.
- Thành viên tham dự: 80.000 đồng/người/buổi.
- Các đối tượng phục vụ: 50.000 đồng/người/buổi.
3. Chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, các đoàn công tác được chi như sau:
a) Trưởng đoàn giám sát: 200.000 đồng/người/buổi.
b) Thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/buổi.
c) Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát:
- Phục vụ trực tiếp đoàn giám sát: 80.000 đồng/người /buổi.
- Phục vụ gián tiếp đoàn giám sát (Lái xe, bảo vệ lãnh đạo): 50.000 đồng/người/buổi.
d) Chi xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát:
- Báo cáo tổng hợp kết quả của từng đoàn công tác; báo cáo tổng hợp kết quả của đợt kiểm tra, giám sát; báo cáo tổng hợp kết quả các đợt kiểm tra, giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia: 2.500.000 đồng/báo cáo.
- Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân, chuyên gia: Thực hiện theo Khoản 2 Điều 14 Nghị Quyết 524/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội, mức chi từ 100.000 đồng/lần đến 300.000 đồng/lần, tổng mức chi xin ý kiến tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.
- Chỉnh lý, hoàn chỉnh báo cáo: 600.000 đồng/báo cáo.
4. Chi xây dựng văn bản:
* Chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 338/2016/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật
* Chi xây dựng các văn bản ngoài phạm vi điều chỉnh của Thông tư 338/2016/TT-BTC liên quan đến công tác bầu cử, có phạm vi toàn quốc do Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành (kế hoạch, thông tri, văn bản chuyên môn hướng dẫn công tác phục vụ bầu cử, báo cáo sơ kết, tổng kết, biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước):
- Xây dựng văn bản: 2.000.000 đồng/văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý). Riêng báo cáo tổng kết cuộc bầu cử báo cáo Quốc hội, mức tương đương soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội (văn bản mới) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 338/2016/TT-BTC.
- Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân, chuyên gia: Mức chi từ 100.000 đồng/người/lần đến 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến tối đa là: 1.000.000 đồng/người/văn bản.
5. Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:
* Bồi dưỡng theo mức khoán/tháng đối với các đối tượng sau:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc gia: Mức 2.200.000 đồng/người/tháng.
- Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Thường trực Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Thành viên thuộc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; thành viên các Tổ giúp việc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: 1.800.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hưởng chế độ bồi dưỡng phục vụ công tác bầu cử được tính từ thời gian Nghị quyết 118/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Nghị quyết số 04/2020/HĐBCQG ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia có hiệu lực đến khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ. Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao nhất. Danh sách chi bồi dưỡng thực hiện theo Nghị quyết, Quyết định thành lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Các đối tượng được huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử (ngoài các đối tượng đã được huy động, trưng tập tham gia tại các Tiểu ban, các tổ giúp việc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia) mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày; thời gian hưởng chế độ chi bồi dưỡng không quá 15 ngày (không bao gồm những ngày tham gia đoàn kiểm tra, giám sát; phục vụ trực tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử);
Trường hợp thời gian huy động, trưng tập trực tiếp phục vụ công tác bầu cử lớn hơn 15 ngày, thực hiện chi bồi dưỡng theo mức chi tối đa: 1.500.000 đồng/người/tháng trên cơ sở quyết định, văn bản huy động, trưng tập được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Riêng 02 ngày (ngày trước ngày bầu cử và ngày bầu cử): Chi bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với tất cả các lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ bầu cử; danh sách đối tượng được hưởng chế độ chi bồi dưỡng theo các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Chi khoán hỗ trợ cước điện thoại di động cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử:
* Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng đối với:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Trưởng các Tiểu ban Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Phó Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; thường trực tổ giúp việc cho Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thường trực giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
- Thành viên thuộc Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
* Trường hợp cần thiết, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định danh sách cán bộ tham gia phục vụ công tác bầu cử được hỗ trợ cước điện thoại di động, mức khoán hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng;
* Thời gian hưởng hỗ trợ cước điện thoại di động được tính theo thời gian thực tế phục vụ công tác bầu cử, từ thời điểm Nghị quyết 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Nghị quyết 04/2020/HĐBCQG ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia có hiệu lực đến khi Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ.
7. Chi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử:
* Người được giao trực tiếp công dân: 80.000 đồng/người/buổi;
* Người phục vụ trực tiếp việc tiếp công dân: 60.000 đồng/người/buổi;
* Người phục vụ gián tiếp việc tiếp công dân: 50.000 đồng/người/buổi.
8. Chi đóng hòm phiếu:
Trường hợp hòm phiếu cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 350.000 đồng/hòm phiếu.
9. Chi khắc dấu:
Trường hợp dấu cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 250.000 đồng/dấu.
10. Chi bảng niêm yết danh sách bầu cử:
Trường hợp chưa có bảng niêm yết, hoặc bảng cũ không thể sử dụng, hoặc cần phải bổ sung, mức chi tối đa 1.500.000 đồng/bảng.
11. Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia: Thực hiện theo quy định tại quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành.
12. Chi công tác tuyên truyền, in ấn: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.
13. Chi thiết bị phục vụ Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia: Thực hiện theo đúng định mức, chế độ, chi tiêu hiện hành trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm giao cho Văn phòng Quốc hội.
14. Các khoản chi phát sinh theo thực tế chưa được quy định mức chi tại văn bản này và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Văn phòng Quốc hội thống nhất quy định bổ sung; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành bằng văn bản để triển khai thực hiện.
Các trường hợp đặc biệt phát sinh vượt quá thẩm quyền của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.
Đối với mức chi tại địa phương:
Căn cứ mức kinh phí nêu trên, căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo theo thông báo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định về mức chi, thời gian được hưởng hỗ trợ cụ thể tại địa phương.