Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 quy định “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Vậy có phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?
Từ vấn đề này mình đưa ra nhận định của mình như sau:
1. Trước tiên cần hiểu hành vi vi phạm pháp luật là gì? Trách nhiệm pháp lý là gì?
Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, thì hành vi vi phạm và trách nhiệm pháp lý của người vi phạm được mình hiểu như sau:
- Hành vi vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi vi phạm trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung gây ảnh hưởng đến xã hội hay một đối tượng cụ thể. Hành vi của người vi phạm có thể tồn tại ở trạng thái hành động hoặc không hành động. Tuy nhiên, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ thực hiện hành vi hay ý thức của người thực hiện mà xử lý trước pháp luật theo chế tài được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
- Trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm pháp luật là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước đã được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật vì sự vi phạm pháp luật của họ.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải gánh chịu những loại trách nhiệm pháp lý khác nhau như: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, theo quy định pháp luật.
2. Có phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý?
Về nguyên tắc đúng là mọi hành vi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ thực hiện hành vi mà người vi phạm có thể phải trách nhiêm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự nêu trên.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người phạm tội nhưng vẫn không phải chịu trách nhiệm pháp lý, cụ thể các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người vi phạm không có năng lực hành vi dân sự.
Căn cứ: Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Trường hợp 2: Người vi phạm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý.
Là những người dưới 14 tuổi, căn cứ Điều 12 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp 3: Miễn trách nhiệm pháp lý
Căn cứ: điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015, được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự như sau:
"c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự"
Trường hợp 4: Hết thời hiệu truy cứu TNHS (Căn cứ: quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015)
Trường hợp 5: Thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất ngờ
Căn cứ: Điều 20 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau: "Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự"
Trường hợp 6: Thực hiện hành vi vi phạm do phòng vệ chính đáng (Căn cứ Điều 22 Bộ luật hình sự 2015)
- Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
- Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp 7: Thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết (Căn cứ Điều 23 Bộ luật hình sự 2015)
- Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
- Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 8: Thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Căn cứ Điều 24 Bộ luật hình sự 2015)
- Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
- Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 9: Hành vi vi phạm do rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Căn cứ Điều 25 Bộ luật hình sự 2015)
- Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
- Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 10: Thực hiện hành vi vi phạm khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Căn cứ Điều 26 Bộ luật hình sự 2015)
- Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Trường hợp này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (khoản 2 Điều 421 vềTội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược)
- Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (khoản 2 Điều 422 về Tội chống loài người)
- Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (khoản 2 Điều 423 về tội phạm chiến tranh)
Theo đó, những người vi phạm bị cơ quan điều tra phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng đến xã hội hay một đối tượng cụ thể thì đều phải chịu trách nhiệm pháp lý nêu trên. Trừ 10 trường hợp nêu trên. Do đó, theo quan điểm của mình không hẳn mọi trường hợp vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Trên đây là theo quan điểm của mình về việc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý? Nếu bạn nào có ý kiến khác cùng để lại bình luận để mình cùng thảo luận nhé.
Xem thêm:
>>> 5 điều cần biết về hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam
>>> Cẩm nang cho những ai học và nghiên cứu về hình sự, dân sự, hành chính
Cập nhật bởi Limma ngày 30/11/2019 11:22:28 SA