Mới: Bộ Nội vụ ban hành Dự thảo Nghị định quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Chủ đề   RSS   
  • #589363 06/08/2022

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1701 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Mới: Bộ Nội vụ ban hành Dự thảo Nghị định quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức

    Dựa trên tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung Ương 7 khóa XII, ngày 05/8/2022 Bộ Nội vụ đã ban hành Dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    Theo đó, dự kiến việc thực hiện Nghị định sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong công tác tuyển dụng công chức theo hướng tăng cường trách nhiệm, tăng cường tính thực chất trong công tác tuyển dụng. Việc thực hiện Nghị định đồng thời tác động trực tiếp đến người dân, cụ thể là những người mong muốn trở thành công chức, những người có năng lực sẽ có cơ hội để thể hiện năng lực của mình.

    Thực trạng hoạt động kiểm định chất lượng đầu vào công chức

    Trong việc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức từ trước đến nay hoạt động mang tính kiểm định chất lượng đầu vào chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương tuyển dụng thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ mà chưa có hoạt động sát hạch, sàng lọc thí sinh trước khi đánh giá năng lực chuyên môn.

    Việc thực hiện vòng 1 kỳ thi được các bộ, ngành, địa phương triên khai theo Nghi định số 138/2020/NĐ-CP đã được một số kết quả nhất định.

    Tuy nhiên, qua đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế đáng kể về nội dung đánh giá, cách thức ra đề thi, ngân hàng câu hỏi, phần mềm thi tuyển, ngân sách và nhân sự chuyên môn.

    Quá trình xây dựng của Dự thảo Nghị định

    Việc xây dựng dự thảo Nghị định được kế thừa từ Đề án thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.  Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Tuy nhiên, thực hiện ý của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đồng thời, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về thi tuyển công chức, tạo đầy đủ, cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về tuyển dụng công chức.

    Do đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý chuyển từ việc xây dựng Đề án sang xây dựng Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    Các đối tượng không cần thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức

    Theo Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 của ban Chấp hành Trung Ương và Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng khẳng định:

    “Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.”

    Theo đó, khi tuyển dụng công chức, bắt buộc phải kiểm định chất lượng đầu vào trừ các đối tượng sau đây:

    Các đối tượng được tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức xét tuyển

    - Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

    - Người học theo chế độ cử tuyển và sau khi tốt nghiệp thì về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

    - Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

    Các đối tượng được tiếp nhận vào công chức không thông qua thi tuyển và xét tuyển

    - Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Cán bộ, công chức cấp xã.

    - Người hưởng lương trong quân đội, tổ chức cơ yếu nhưng không phải công chức.

    - Người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng… của doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước có 50% vốn điều lệ… được bổ nhiệm vào công chức để giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

    - Người trước đây là cán bộ, công chức và sau đó được điều động, luân chuyển giữa các vị trí khác không phải cán bộ, công chức tại cơ quan, tổ chức khác.

    Như vậy, trừ các đối tượng này, những người khác khi được tuyển dụng vào công chức thì bắt buộc phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.

     

    du-thao-nghi-dinh-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc

     

    Điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức

    Người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

    - Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

    - Đủ 18 tuổi trở lên;

    - Có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chuyên môn ở trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.

    Những người sau đây không được đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức:

    - Không cư trú tại Việt Nam;

    - Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

    - Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

    Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định

    - Về hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

    - Nội dung kiểm định:

    Hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

    - Thời gian kiểm định:

    Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi không quá 100 câu.

    Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi không quá 80 câu.

    Xếp loại kiểm định

    Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 60% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    - Loại xuất sắc: Trả lời đúng từ 90% số câu hỏi trở lên;

    - Loại giỏi: Trả lời đúng từ 80% đến dưới 90% số câu hỏi;

    - Loại khá: Trả lời đúng từ 70% đến dưới 80% số câu hỏi;

    - Đạt yêu cầu: Trả lời đúng từ 60% đến dưới 70% số câu hỏi.

    Thời hạn sử dụng kết quả kiểm định

    Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển vào làm công chức tại các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi toàn quốc.

    Ngoài ra, các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định hủy bỏ kết quả kiểm định theo điểm c Khoản 2 Điều 10 Dự thảo Nghị đinh quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    Xem toàn văn Dự thảo Nghị định tại đây.

     
    489 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (06/08/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận