Mở quán ăn trong căn hộ chung cư được không?

Chủ đề   RSS   
  • #616614 20/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Mở quán ăn trong căn hộ chung cư được không?

    Mở quán ăn tại nhà, đặc biệt là trong căn hộ chung cư, đang trở thành một xu hướng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, việc kinh doanh tại nhà chung cư có phải lúc nào cũng được phép?

    (1) Mở quán ăn trong căn hộ chung cư được không?

    Để làm rõ vấn đề này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu căn hộ chung cư có cho phép kinh doanh hay không.

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023, nhà chung cư được định nghĩa là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

    Theo khoản 5 Điều 3 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD quy định, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp là nhà chung cư được thiết kế, xây dựng để sử dụng vào mục đích ở và sử dụng vào mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại.

    Như vậy, nếu chung cư có mục đích để ở thì căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2023, người sử dụng nhà chung cư không được phép mở quán ăn trong chung cư.

    Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp thì được phép mở quán ăn trong chung cư, tuy nhiên phải đăng ký kinh doanh và thực hiện việc kinh doanh quán ăn tại căn hộ của mình.

    (2) Mở quán ăn trong chung cư có mục đích để ở thì phạt thế nào?

    Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    - Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình;

    - Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc;

    - Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;

    - Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

    - Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;

    - Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

    Như vậy, nếu mở quán ăn trong chung cư có mục đích để ở thì cá nhân có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 40 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc phải sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở.

    (3) Những điều cần lưu ý khi mở quán ăn tại chung cư

    Nếu chung cư thuộc mục đích hỗn hợp thì khi mở quán ăn kinh doanh tại chung cư, người sử dụng nhà chung cư cần phải lưu ý những điều sau đây:

    Đăng ký kinh doanh

    Theo quy định của Luật Thương mại 2005, khi kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh, do đó chủ cửa hàng phải đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mã ngành 5610 cho cửa hàng của mình trước khi đi vào hoạt động kinh doanh.

    Đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm

    Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ các trường hợp như kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nhà hàng trong khách sạn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định,...v.v.

    Theo đó, nếu chỉ kinh doanh nhỏ, nên chọn hình thức kinh doanh nhỏ lẻ theo hình thức hộ kinh doanh cá thể để giảm bớt về mặt giấy tờ. Lúc này khi kinh doanh chỉ cần đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm tại khoản 1 Điều 22 Luật An Toàn thực phẩm 2010, bao gồm:

    - Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

    - Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

    - Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;

    - Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;

    - Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

    - Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

    - Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

    Tuân thủ quy định của Ban quản lý chung cư

    Ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật, bạn còn cần phải tuân theo yêu cầu, điều kiện và địa điểm kinh doanh theo quy định của Ban quản trị và quản lý khu chung cư. Điều này nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho cư dân cũng như tuân thủ các quy định về phòng chống cháy nổ trong quá trình sinh hoạt và kinh doanh.

     
    176 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận