Ngày 12 tháng 5 năm 1994, nước Cộng hoà nhân dân
Trung Hoa đã ban hành Luật Bồi thường nhà nước (sau đây gọi tắt là Luật
Bồi thường nhà nước Trung Quốc), đạo luật này có hiệu lực từ ngày 01
tháng 01 năm 1995. Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc được chia làm 6
chương với 35 điều, trong đó:
- Chương 1: “Những quy định chung” gồm 2 điều (Điều 1 và 2) quy định về mục đích và nguyên tắc bồi thường nhà nước.
- Chương 2: “Bồi thường hành chính” gồm 12 điều (từ
Điều 3 đến Điều 14) quy định về trách nhiệm bồi thường tổn thất do các
cơ quan hành chính khi thực thi nhiệm vụ gây ra.
- Chương 3: “Bồi thường tư pháp” gồm 10 điều (từ
Điều 15 đến Điều 24) quy định trách nhiệm bồi thường tổn thất do cơ
quan, người tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
hình sự) gây ra.
- Chương 4: “Hình thức và cách xác định bồi thường”
gồm 9 điều (từ Điều 25 đến Điều 33) quy định về hình thức và cách xác
định mức bồi thường.
- Chương 5: “Điều khoản thi hành” gồm 2 điều (Điều
34 và 35) quy định việc không thu lệ phí, án phí, thuế đối với người
yêu cầu đòi bồi thương và quy định hiệu lực của Luật.
Việc ban hành Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc
nhằm mục đích: (1) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp
nhân và các tổ chức khác khi cơ quan nhà nước không thực thi đúng chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật; (2)
khuyến khích các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực thi đúng
nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Điều này cũng có
nghĩa là, việc ban hành Luật Bồi thường nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu
xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc, đảm bảo nguyên tắc pháp
chế trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong xã hội, theo đó,
không chỉ cá nhân, pháp nhân và các tổ chức xã hội mà còn tất cả các cơ
quan công quyền cũng phải có trách nhiệm tôn trọng, tuân thủ pháp luật.
Với việc ban hành Luật này thì Nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận và chịu
trách nhiệm bồi thường đối với tổn hại thực tế do hành vi vi phạm pháp
luật trong quá trình thực thi công vụ của cơ quan nhà nước và nhân viên
cơ quan nhà nước gây ra cho công dân, pháp nhân hay tổ chức khác. Loại
trách nhiệm bồi thường này là một loại trách nhiệm pháp luật đặc thù,
không hoàn toàn giống với bồi thường dân sự vì trong trường hợp này Nhà
nước đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho đương sự, trong khi đó bồi
thường dân sự lại dựa trên nguyên tắc “người nào vi phạm, người đó phải
bồi thường”.
1. Về phạm vi bồi thường nhà nước
Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định bồi
thường trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Luật không quy định bồi
thường trong lĩnh vực lập pháp và cũng không quy định bồi thường trong
các hoạt động quân sự. Trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp, Luật Bồi
thường nhà nước Trung Quốc cũng chỉ quy định một số hành vi cụ thể và
chỉ trong những trường hợp đó thì Nhà nước mới thực hiện bồi thường.
1.1. Phạm vi bồi thường hành chính:
Điều 3 và điều 4 Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc
quy định cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước trong quá trình
thi hành công vụ nếu có hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại về tài
sản, quyền nhân thân cho cá nhân, pháp nhân hay tổ chức khác thì nhà
nước phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể trong các trường hợp là:
(1) áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, bắt giữ người trái pháp
luật hoặc hạn chế quyền tự do thân thể của công dân trái pháp luật; (2)
Giam giữ hoặc dùng các biện pháp khác tước đoạt quyền tự do thân thể
của công dân trái pháp luật; (3) Có hành vi bạo lực như ẩu đả hoặc xui
khiến người khác bạo động, đánh người gây ra thương tích hoặc tử vong;
(4) Sử dụng vũ khí trái phép gây ra thương tích hoặc tử vong cho công
dân; (5) Các hành vi khác gây ra thương tích hoặc tử vong cho công dân;
(6) áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền, thu hồi
giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép kinh doanh, ra lệnh đình chỉ sản
xuất, tịch thu giữ tài sản trái pháp luật; (7) áp dụng các biện pháp
chế tài hành chính đối với tài sản như niêm phong, thu giữ tài sản trái
pháp luật; (
Trưng thu tài sản, phân bổ chi phí trái quy định của pháp luật; (9)
Những hành vi vi phạm khác gây ra tổn thất tài sản. Bên cạnh đó, Điều 5
của Luật quy định nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường cho người
bị thiệt hại trong những trường hợp là: (1) Hành vi cá nhân của nhân
viên cơ quan hành chính không liên quan đến việc thi hành chức quyền;
(2) Hành vi của bản thân công dân, pháp nhân và các tổ chức khác tự gây
tổn thất cho mình; (3) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
1.2. Phạm vi bồi thường tư pháp:
Phạm vi bồi thường tư pháp được quy định tại Điều
15, Điều 16, Điều 17 và Điều 31. Theo đó, nội dung bồi thường tư pháp
sẽ do 2 loại: Một là, bồi thường hình sự (Điều 15, Điều 16, Điều 17);
hai là, bồi thường tố tụng hành chính, dân sự (Điều 31). Cụ thể trong
những trường hợp là: (1) Giam giữ sai đối với người bị tình nghi phạm
tội nhưng chưa có dấu hiệu thực tế hoặc chưa có chứng cứ thực tế là tội
phạm; (2) Bắt giữ sai đối với những người chưa thực sự phạm tội; (3)
Xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm được Toà án tuyên là
vô tội, nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên; (4) Có các hành vi bạo
lực như bức cung, đánh đập hoặc sai người khác dùng các hành vi bạo lực
làm bị thương hoặc chết người; (5) Sử dụng vũ khí, máy móc trái pháp
luật gây ra thương tích hoặc chết người; (6) áp dụng các biện pháp trái
pháp luật như niêm phong, thu giữa tài sản; (7) Xét xử lại bản án theo
trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm được Toà án tuyên là vô tội nhưng đã
chấp hành việc phạt tiền hoặc đã bị tịch thu tài sản. Đồng thời, Điều
17 quy định nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong
những trường hợp: (1) Công dân cố ý khai sai sự thật hoặc tạo chứng cứ
giả để bị coi là có tội, để bị bắt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
(2) Những trường hợp bắt giam người không phải chịu trách nhiệm hình sự
theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Bộ luật Hình sự; (3) Những trường
hợp bắt giam người không phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định tại Điều 11 Luật Tố tụng hình sự; (4) Những hành vi cá nhân của
nhân viên cơ quan nhà nước có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản
lý trại giam hoặc nhân viên của cơ quan này không liên quan đến việc
thực thi nhiệm vụ; (5) Công dân tự mình gây ra thương tật hoặc có hành
vi cố ý gây ra tổn thất đối với bản thân mình; (6) Những trường hợp
khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc lại
chưa quy định bồi thường nhà nước trong lĩnh vực công hữu công cộng.
Những nội dung liên quan đến bồi thường trong lĩnh vực này thuộc phạm
vi bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 126 của “Những nguyên tắc
cơ bản của Luật Dân sự nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa”.
2. Về điều kiện bồi thường nhà nước
Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định việc bồi thường nhà nước khi có đủ các điều kiện sau:
- Về chủ thể: Chủ thể gây tổn hại phải là cơ quan
nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước; người bị gây tổn hại là cá
nhân, pháp nhân và các tổ chức khác.
- Về hành vi vi phạm pháp luật: Hành vi đó phải liên
quan trực tiếp đến quá trình thực thi công vụ của cơ quan nhà nước và
nhân viên của cơ quan nhà nước.
- Hành vi vi phạm pháp luật phải dựa trên cơ sở yếu
tố lỗi và hành vi này phải được quy định rõ trong các văn bản pháp
luật, pháp quy hành chính (có căn cứ pháp lý).
- Có tổn thất thực tế xãy ra: Kết quả của tổn thất
phải do hành vi vi phạm pháp luật trực tiếp gây ra, nghĩa là giữa tổn
thất và hành vi vi phạm pháp luật phải có mối quan hệ nhân quả.
3. Về cơ quan có nghĩa vụ bồi thường nhà nước
- Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định: Cơ
quan nhà nước và nhân viên của cơ quan nhà nước nào gây ra tổn hại cho
cá nhân, pháp nhân hay tổ chức khác thì cơ quan nhà nước đó có trách
nhiệm bồi thường cho đối tượng bị tổn hại.
Như vậy, pháp luật Trung Quốc quy định cơ quan có
nghĩa vụ bồi thường nhà nước theo mô hình “phân tán”. Tuy nhiên, thực
tiễn hơn 10 năm thực thi Luật Bồi thường nhà nước cho thấy hệ thống cơ
quan này đã tồn tại một số vấn đề hạn chế và nếu so sánh với việc thiết
kế cơ quan có nghĩa vụ bồi thường theo mô hình “tập trung” thì nó tỏ ra
kém hiệu quả hơn. Bởi vì, mô hình “tập trung” tạo ra một hệ thống cơ
quan và nhân viên chuyên nghiệp phụ trách thực hiện việc bồi thường nhà
nước. Ngoài ra, mô hình này còn có thể bảo vệ một cách tốt nhất quyền
và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường, vì nó có đặc điểm là
người có quyền yêu cầu bồi thường không cùng người xâm hại trực tiếp
gặp nhau mà do cơ quan được pháp luật quy định thực hiện thay, nên khi
xử lý việc bồi thường sẽ tránh được tình trạng “xử lý nội bộ”.
- Pháp luật Trung Quốc quy định việc giải quyết bồi
thường nhà nước trong lĩnh vực hành chính cho các đương sự được thực
hiện theo 2 cách là giải quyết theo thủ tục hành chính và/hoặc giải
quyết theo thủ tục tố tụng. Đối tượng bị tổn hại có thể làm đơn yêu cầu
cơ quan hành chính trực tiếp gây tổn hại bồi thường, nếu cơ quan hành
chính này giải quyết không thoả đáng thì đương sự có thể đề nghị cơ
quan hành chính cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính này giải
quyết bồi thường (trình tự, thủ tục theo quy định của Luật tố tụng hành
chính nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) hoặc có thể đề nghị Toà án nhân
dân có thẩm quyền giải quyết (Toà dân sự).
Việc giải quyết bồi thường hành chính tại Toà án
nhân dân được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường,
nhưng cũng có một số đặc điểm đặc thù. Tính đặc thù này được biểu hiện
chủ yếu ở chỗ: Toà án nhân dân khi giải quyết vụ kiện bồi thường nhà
nước đầu tiên phải xem xét việc xử lí bồi thường của cơ quan có nghĩa
vụ bồi thường có đúng hay không; đương sự trong vụ kiện mà 1 bên là cơ
quan hành chính (trong khi đó nhân viên cơ quan hành chính gây ra tổn
hại không phải là bị cáo trong quá trình tố tụng); trên phương diện
chứng cứ, tố tụng bồi thường nhà nước chủ yếu do người yêu cầu bồi
thường chứng minh chứng cứ và cơ quan hành chính thông thường sẽ phủ
nhận trách nhiệm (trong khi đó bồi thường dân sự mà các bên đương sự
chủ trương giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường).
- Trường hợp cơ quan hành chính và nhân viên cơ quan
hành chính vì ban hành các quy định hành chính mà gây tổn hại cho cá
nhân, pháp nhân hay tổ chức khác thì việc giải quyết bồi thường nhà
nước đầu tiên phải xem xét tính hợp pháp của các quy định hành chính
đó. Việc phán quyết tính hợp pháp của quy định hành chính sẽ do cơ quan
hành chính cấp trên trực tiếp cơ quan hành chính ban hành quy định đó
giải quyết, nếu cơ quan hành chính cấp trên giải quyết không thoả đáng
thì sẽ do cơ quan quyền lực nhà nước có thẩm quyền giải quyết (Đại hội
đại biểu nhân dân địa phương). Pháp luật Trung Quốc chưa quy định cho
cơ quan Tư pháp (Toà án nhân dân) việc phán quyết tính hợp pháp của quy
phạm pháp luật hay pháp quy hành chính mà Toà án nhân dân chỉ có thẩm
quyền xác nhận tính hợp pháp của hành vi hành chính trong phạm vi điều
chỉnh của Luật Bồi thường nhà nước.
4. Về phương thức, tiêu chuẩn bồi thường nhà nước
4.1. Phương thức bồi thường nhà nước:
Trung Quốc quy định phương thức bồi thường bằng tiền
là phương thức chủ yếu trong bồi thường nhà nước, đó là việc cơ quan có
nghĩa vụ bồi thường căn cứ vào các quy định của pháp luật, đem tổn thất
do việc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại quy đổi thành
một lượng tiền nhất định. Phạm vi bồi thường thiệt hại bằng tiền mặt
tương đối rộng, bao gồm bồi thường tổn thất về tài sản và phi tài sản.
Ngoài ra, Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc còn
quy định: Khôi phục nguyên trạng, hoàn trả nguyên hiện vật, loại trừ
ảnh hưởng, khôi phục danh dự, xin lỗi và nhận lỗi,… làm những phương
thức bổ sung trong lĩnh vực bồi thường nhà nước.
4.2. Tiêu chuẩn bồi thường nhà nước:
Về mặt lý luận, trong một quốc gia, quan hệ giữa
tiêu chuẩn bồi thường nhà nước và tiêu chuẩn bồi thường dân sự xảy ra
ba trường hợp: Một là, tiêu chuẩn bồi thường nhà nước cao hơn tiêu
chuẩn bồi thường dân sự; hai là, tiêu chuẩn bồi thường nhà nước bằng
với tiêu chuẩn bồi thường dân sự; ba là, tiêu chuẩn bồi thường nhà nước
thấp hơn tiêu chuẩn bồi thường dân sự.
Pháp luật Trung Quốc quy định rõ tiêu chuẩn bồi
thường nhà nước, nếu so sánh với tiêu chuẩn bồi thường trong dân sự thì
tiêu chuẩn bồi thường nhà nước của Trung Quốc thuộc trường hợp thứ ba
nêu trên, nghĩa là bồi thường nhà nước thấp hơn so với bồi thường dân
sự. Cơ sở mà Trung Quốc lựa chọn bồi thường nhà nước thấp hơn bồi
thường dân sự là do thực trạng nền kinh tế của quốc gia. Tại thời điểm
Trung Quốc ban hành Luật này thì nền kinh tế rất khó khăn, hơn nữa tình
trạng vi phạm pháp luật trong các cơ quan nhà nước và nhân viên cơ quan
nhà nước xảy ra tương đối nhiều, do vậy, nếu nhà nước chi trả bồi
thường nhà nước bằng hoặc cao hơn so với bồi thường dân sự thì khi đó
Nhà nước sẽ “phá sản”. Chính vì lý do đó, bồi thường nhà nước của Trung
Quốc chỉ nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu mang tính tượng trưng cho đối
tượng bị tổn hại. Các nước đang phát triển thông thường lựa chọn trường
hợp này.
5. Về trách nhiệm bồi hoàn của nhân viên nhà nước
Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định: Cơ
quan có nghĩa vụ bồi thường sau khi thực hiện bồi thường nhà nước cho
các đương sự có quyền yêu cầu nhân viên của cơ quan phải bồi hoàn lại
một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường. Việc xét mức bồi thường của nhân
viên nhà nước căn cứ vào mức độ vi phạm theo lỗi cố ý hoặc vô ý. Thông
thường nhân viên cơ quan nhà nước chỉ phải bồi hoàn một phần kinh phí
bồi thường vì thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp mức bồi thường
chi trả cho các đối tượng được bồi thường là rất lớn mà nhân viên cơ
quan nhà nước không có khả năng chi trả, trong khi đó nếu quy định nhân
viên nhà nước phải hoàn trả toàn bộ kinh phí bồi thường thì sẽ vô hình
chung làm cho nhân viên không dám thực thi công vụ. Chỉ trong những
trường hợp do nhân viên phạm lỗi nhiều lần và mức bồi thường ít thì khi
đó có thể xem xét nhân viên phải bồi hoàn toàn bộ.
Ngoài việc phải bồi hoàn kinh phí cho cơ quan nhà
nước ra, pháp luật Trung Quốc còn quy định nhân viên vi phạm có thể sẽ
bị kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc nếu trong trường hợp cấu thành tội
phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
6. Về thời hiệu yêu cầu bồi thường
Điều 32 Luật Bồi thường nhà nước Trung Quốc quy định
thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ khi việc thực thi nhiệm vụ
quyền hạn của cơ quan và nhân viên của cơ quan nhà nước gây ra thiệt
hại được xác định là trái quy định của pháp luật. Thời hạn bị giam giữ
không được tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường.
Bài viết của Ths. Nguyễn Đỗ Kiên - Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Tư pháp (bài đăng trên trang thongtinphapluatdansu )