Chào bạn! Dựa vào những thông tin bạn cung cấp tôi có một số góp ý như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào những gì bạn cung cấp, chưa thể khẳng định anh ta có phạm tội hay không. Bởi vụ việc mới xảy ra, mọi dấu hiệu còn rất mơ hồ. Và trong trường hợp này hành vi của anh ta có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nên cần căn cứ vào những dấu hiệu cấu thành tội phạm để đoán định và làm rõ:
1. Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009)
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
[…]”
Dựa vào những cấu thành tội phạm luật đã quy định, bạn nên xem xét nếu anh ta có thực hiện những hành vi sau thì mới có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
+ Anh ta có hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền 4,5 triệu của bạn.
Từ thông tin bạn cung cấp chưa thấy rõ anh ta có sử dụng thủ đoạn gian dối hay không. Nên bạn cần kiểm chứng trên thực tế. Đầu tiên, giấy tờ xe đã được hoàn thiện và gửi cho bạn hay chưa. Bạn có thể lên Công an quận nơi bạn đã làm thủ tục sang tên để hỏi lại và xác nhận về việc đó. Nếu anh ta nói dối mục đích cầm 4,5 triệu là hoàn thiện giấy tờ xe cho bạn và sau đó không làm thì anh ta có dấu hiệu của việc dùng thủ đoạn gian dối.
Bạn cũng nên tìm hiểu mối quan hệ của anh ta với cửa hàng – nơi bạn mua xe. Bạn có thể đến cửa hàng để hỏi lại vấn đề này. Và nếu đó là người thường xuyên giúp cửa hàng bán xe về mặt thủ tục giấy tờ, bạn có thể hỏi họ anh ta có còn liên lạc gì với họ hay không và xin địa chỉ của anh ta. Bạn thử tìm kiếm hoặc nhờ Công an tìm kiếm. Nếu không tìm được thì rất có thể anh ta có dấu hiệu cầm tiền rồi bỏ trốn.
+ Anh ta hiện đang chiếm giữ 4,5 triệu của bạn.
Từ những thông tin bạn cung cấp, bạn có thể chứng minh thông qua giấy ghi nhận đã nhận tiền và chữ kí của anh ta.
Nếu chứng minh được có những dấu hiệu như trên, bạn có thể báo với cơ quan Công an về việc anh ta có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009).
2. Dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Căn cứ theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009)
“Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
[…]”
Dựa vào những cấu thành tội phạm luật đã quy định, bạn xem xét nếu anh ta có thực hiện những hành vi sau thì mới có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
+ Bạn và anh ta có giao kết một hợp đồng.
Bạn và anh ta đã giao kết một giao dịch dân sự, bạn đưa tiền và anh ta giúp bạn làm công việc hoàn thiện thủ tục đăng kí xe. Điều này bạn chứng minh được vì căn cứ vào giấy ghi nhận của anh ta, và có sự làm chứng của mẹ bạn.
+ Anh ta có hành vi bỏ trốn hoặc đã dùng tiền vào mục đích bất hợp pháp và không có khả năng trả nợ.
Căn cứ việc bạn không liên lạc được với anh thì chưa thể khẳng định có dấu hiệu của hành vi bỏ trốn. Nên trong khả năng bản thân bạn nên thực hiện hoạt động tìm kiếm thực sự để đưa ra kết luận, cần tìm đến cửa hàng bạn đã mua xe để hỏi hoặc nhờ đến sự giúp sức của Công an.
+ Anh ta có hành vi dùng tiền vào mục đích bất hợp pháp và không có khả năng trả lại tài sản.
Do không liên lạc được nên khả năng chứng minh việc anh ta đã dùng tiền vào việc bất hợp pháp và không có khả năng trả nợ là rất hạn chế. Tuy nhiên, bạn cũng không nên bỏ qua khả năng này, bằng việc nghe ngóng thông tin, và tìm kiếm anh ta có thể sẽ tìm được manh mối.
Nếu chứng minh được có những dấu hiệu như trên có thể báo với cơ quan Công an về anh ta có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản điều 140 bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009).
Thứ hai, trình tự thủ tục tố giác tội phạm
Bạn cần phân biệt hai thuật ngữ khiếu nại và tố giác. Trong đó, khiếu nại dùng khi quyết định, hành vi của công quyền trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của bạn; còn trong trường hợp của bạn, bạn phải làm đơn tố giác trình báo với cơ quan điều tra tại nơi cư trú của anh ta.
Căn cứ điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS 2003), bạn có thể viết đơn gửi lên cơ quan điều tra hoặc tố giác trực tiếp.
“Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm
Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chứ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.”
Trong thời hạn 20 ngày hoặc tối đa là 2 tháng, cơ quan điều tra sẽ kiểm tra, xác minh và quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không. Cơ quan điều tra sẽ thông báo kết quả tố giác đến bạn, căn cứ theo điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
“Điều 103. Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhân cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.
Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.
4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điểu tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.”
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc áp dụng biện pháp dân sự, trước khi áp dụng biện pháp hình sự khi sự việc vẫn chưa rõ ràng.
Hiện tại, do các thông tin bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Hương Giang.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.