Lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận tài sản vợ chồng có cần thiết?

Chủ đề   RSS   
  • #605336 11/09/2023

    maithuan415
    Top 150
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/06/2020
    Tổng số bài viết (561)
    Số điểm: 5031
    Cảm ơn: 4
    Được cảm ơn 62 lần


    Lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận tài sản vợ chồng có cần thiết?

    Dịch vụ lập vi bằng ngày càng được biết đến nhiều hơn do những ưu điểm của nó mang lại, một trong những yêu cầu lập vi bằng phổ biến là lập vi bằng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

    Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề lập vi bằng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

    Lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận tài sản vợ chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình
     
    Việc lập vi bằng hiểu một cách đơn giản là việc mô tả chính xác những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy,… Hay nói cách khác, lập vi bằng là việc Thừa phát lại sử dụng giác quan của mình để ghi nhận lại sự thật khách quan.
     
    Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng là rất cần thiết vì khi bắt đầu tạo lập tài sản sẽ dễ dàng xác định chủ sở hữu tài sản hơn so với trường hợp ly hôn mới bắt đầu xác định tài sản do ai sở hữu. Theo đó, vi bằng của Thừa phát lại trong trường hợp này sẽ ghi nhận, mô tả một cách chi tiết, cụ thể về các tài sản được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng hoặc các thỏa thuận về sự phân chia tài sản hay nghĩa vụ của các bên. Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, video ghi lại chân thực, khách quan sự thỏa thuận đó. Vi bằng được lập trong trường hợp này có giá trị chứng cứ trước Tòa án, giúp Tòa án đẩy nhanh quá trình giải quyết yêu cầu ly hôn của hai người.
     
    Việc lập vi bằng xác định rõ tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của vợ, chồng giúp vợ, chồng nhanh chóng, thuận tiện trong việc hoàn tất hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết ly hôn; giúp giảm thiểu chi phí không cần thiết như lệ phí thẩm định giá, án phí theo giá trị tài sản tranh chấp do không tự thỏa thuận được…
     
    Vì vậy, vợ chồng nên tiến hành lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận về tài sản trong quan hệ hôn nhân, gia đình. Ngoài vấn đề và tài sản, vợ chồng còn có thể thỏa thuận về các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân của vợ chồng để có thể hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra khi vợ chồng ly hôn.
     
    Tuy nhiên, vợ, chồng cũng phải lưu ý về tính pháp lý của vi bằng, vi bằng chỉ là văn bản ghi nhận lại sự việc một cách khách quan để làm căn cứ khi có tranh chấp xảy ra, chứ không thay thế cho văn bản công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
     
    Cách thức lập vi bằng thỏa thuận về tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng
     
    Căn cứ vào Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì trình tự, thủ tục lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân, gia đình sẽ được thực hiện thông qua các bước như sau:
     
    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu lập vi bằng
     
    Trước khi đến các văn phòng Thừa phát lại để thực hiện lập vi bằng các bạn nên chuẩn bị sẵn một số tài liệu như:
     
    Giấy tờ pháp lý cá nhân: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân,…..
     
    Tài liệu khác liên quan đến vụ việc: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản, …. (Lưu ý: Người yêu cầu lập vi bằng phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.)
     
    Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng
     
    Khi đến văn phòng Thừa phát lại bạn sẽ trình bày nội dung các yêu cầu của mình khi muốn lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận trong quan hệ hôn nhân, gia đình. Dựa trên các yêu cầu đó thì thư ký nghiệp vụ hoặc Thừa phát lại sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến vụ việc và nếu yêu cầu của bạn là hợp pháp thì bạn sẽ được điền vào phiếu yêu cầu lập vi bằng. Yêu cầu lập vi bằng của khách hàng sẽ được coi là một trong các căn cứ để Thừa phát lại ghi nhận các nội dung vụ việc.
     
    Bước 3: Thỏa thuận về dịch vụ lập vi bằng
     
    Trước khi thực hiện lập vi bằng để tránh được các tranh chấp trong và sau quá trình lập vi bằng thì văn phòng Thừa phát lại và khách hàng cần thống nhất một số nội dung như: Nội dung sự việc cần lập vi bằng; Thời gian, địa điểm lập vi bằng; Chi phí thực hiện; Thời gian giao, nhận vi bằng; Thỏa thuận khác nếu có giữa các bên như quyền và nghĩa vụ hoặc thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.
     
    Bước 4: Tiến hành lập vi bằng
     
    Tại thời điểm mà các bên đã thống nhất trong thỏa thuận lập vi bằng, Thừa phát lại sẽ trực tiếp đến địa chỉ trong thỏa thuận và tiến hành chứng kiến và ghi nhận vụ việc, sự thỏa thuận của vợ chồng và đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để củng cố tính chính xác, xác thực của vi bằng.
     
    Sau khi hoàn tất trình tự trên thì để vi bằng có giá trị pháp lý thì Văn phòng Thừa phát lại gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính 01 bộ vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) về Sở Tư pháp nơi Văn phòng đặt trụ sở hoặc cập nhật vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) vào cơ sở dữ liệu về vi bằng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng hoặc kể từ ngày Văn phòng Thừa phát lại cập nhật vào cơ sở dữ liệu về vi bằng, Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký vi bằng hoặc duyệt nội dung cập nhật trên cơ sở dữ liệu về vi bằng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để theo dõi, quản lý việc lập vi bằng.
     
    Trường hợp phát hiện vi bằng, tài liệu chứng minh vi phạm quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì Sở Tư pháp có quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại chịu trách nhiệm trước người yêu cầu lập vi bằng, trước pháp luật về nội dung, hình thức vi bằng đã lập.
     
    1646 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận