Một thực trạng diễn ra hiện nay ở nhiều công ty có thỏa thuận với người lao động phải giải quyết hết công việc, chứ không hạn định thời gian kết thúc làm việc trong ngày.
Rành rành là trên giấy tờ, hợp đồng lao động ghi hẳn hoi thời giờ làm việc từ 8h sáng đến 12h trưa và từ 13h30 đến 17h30 chiều, thế nhưng đó chỉ là thỏa thuận mang tính hình thức.
Theo Bộ luật lao động 2012 có 3 hình thức trả lương: trả lương theo thời gian, trả lương theo sản phẩm và trả lương theo khoán.
“Làm hết việc chứ không hết giờ” – bạn sẽ nghĩ ngay đến việc trả lương khoán, tức là người sử dụng lao động giao cho bạn khối lượng công việc nhất định, không cần biết bạn thức đêm dậy sớm như thế nào, bạn phải hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc trước thời hạn được giao, nghĩa là bạn không bị ràng buộc thời gian đi làm.
Thế nhưng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lại lựa chọn giao công việc dạng khoán cho nhân viên, nhưng lại trả lương theo thời gian, mặc định phải đi làm đúng giờ, và không giới hạn giờ kết thúc làm việc trong ngày.
Việc thỏa thuận này liệu có vi phạm Bộ luật lao động 2012 không?
Nếu xét quy định này, dường như có sự mâu thuẫn lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Doanh nghiệp thường e ngại rằng người lao động dựa vào thời gian làm việc cố định để ì ạch, làm chậm tiến độ giải quyết công việc. Việc ra quy định như vậy, giúp người lao động cố gắng hoàn thành công việc sớm nhất có thể.
Về phía người lao động, đồng ý với quan điểm giúp giải quyết công việc nhanh hơn, nhưng liệu có quá sức với mình, có thể họ sẽ cảm thấy mình bị bóc lột.
Vậy làm sao để dung hòa lợi ích của đôi bên và tuân thủ pháp luật?
Các bạn thành viên giúp mình giải quyết vấn đề này với…