Chào bạn, rất cảm ơn câu hỏi của bạn.
Về những thắc mắc của bạn, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, về hành vi điều khiển xe ô tô mà không có giấy phép lái xe của chị A.
Khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện của người lái xe khi tham gia giao thông:
“Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:
“7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
Khi tham gia giao thông việc mang theo giấy phép lái xe và đăng ký xe là điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển xe. Người điều khiển xe ô tô không có theo Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Chị A sẽ bị phạt hành chính khoản tiền này kể cả trong trường hợp chị A có liên quan tới vụ tai nạn của anh B hay không.
Cá nhân, tổ chức cho chị A thuê xe cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điểm đ Khoản 7 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
“7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), Khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng);
Thứ hai, về vấn đề trách nhiệm hình sự đối với chị A.
Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 có quy định như sau:
“Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;”
Trên thực tế, các cơ quan tố tụng chỉ xác định trách nhiệm hình sự với A nếu hành vi vi phạm của A là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra phải tồn tại mối quan hệ nhân quả. Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải xảy ra trước hậu quả và là nguyên nhân trực tiếp khiến phát sinh hậu quả. Đối chiếu với thông tin bạn đưa ra cho thấy: Lỗi của anh B mới là lỗi trực tiếp gây ra tai nạn. Chị A sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại điều 202 Bộ luật hình sự.
Thứ ba, về vấn đề bồi thường thiệt hại.
Điều 617 Bộ luật dân sự 2005 quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại mà có lỗi của người bị thiệt hại như sau:
“Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
Khoản 1, 3 Điều 623 Bộ luật này cũng có quy định về trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
“Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ôtô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
Trường hợp này, căn cứ theo những quy định tôi nêu ra, lỗi của B là lỗi cố ý và cảnh sát cũng xác định hoàn toàn lỗi là do B nên căn cứ theo những điều trên chị A sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên đây là một số đóng góp của tôi từ những thông tin mà bạn đưa ra. Nếu có thắc mắc hoặc mong muốn trao đổi thêm, bạn vui lòng liên hệ với luật sư để được tư vấn chính xác và đầy đủ hơn.
Trân trọng.
Chuyên viên tư vấn: Trịnh Thủy Tiên
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.