Kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự sơ thẩm

Chủ đề   RSS   
  • #557507 09/09/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự sơ thẩm

     

    Xét hỏi của KSV tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự là việc KSV trực tiếp xét hỏi những người tham gia tố tụng, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ, nhận xét và hỏi thêm những vấn đề có liên quan đến những tài liệu được công bố để xem xét, đánh giá chứng cứ và các tình tiết của vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ nhằm xác định sự thật của vụ án. Bài viết sau đây của TS. Nguyễn Huy Phượng sẽ hệ thống, cung cấp một số kỹ năng xét hỏi cho KSV trong phiên toà hình sự sơ thẩm.

    Theo quy định tại Mục V Chương XXI Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì xét hỏi tại phiên tòa là một phần (một giai đoạn) của quá trình xét xử sơ thẩm hình sự, trong đó, Hội đồng xét xử (HĐXX), Kiểm sát viên (KSV), người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trực tiếp xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác về mọi chứng cứ, tài liệu về những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, công bố những tài liệu, công bố lời khai theo quy định của BLTTHS năm 2015, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ... Áp dụng các biện pháp được BLTTHS năm 2015 quy định để xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và công khai tại phiên tòa nhằm xác định sự thật của vụ án. Việc xét hỏi tại phiên tòa được thực hiện theo các điều 307, 308, 309, 310, 311, 312, 313, 314, 315, 316, 317, 318 BLTTHS năm 2015.

    Phạm vi xét hỏi của KSV đối với những người nêu trên bao gồm mọi khía cạnh liên quan đến vụ án, đó là: Những chứng cứ, tình tiết xác định có tội và vô tội, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, nhân thân bị cáo, nguyên nhân và điều kiện phạm tội... Kết quả xét hỏi là cơ sở để HĐXX, KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự xác định đủ căn cứ để kết tội bị cáo hay không. Nếu có thì bị cáo phạm tội gì? Theo quy định tại khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự (BLHS), hình phạt nào áp dụng đối với bị cáo, có thể áp dụng biện pháp tư pháp cũng như buộc bị cáo và người có liên quan bồi thường cho  bị hại hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

    Một số yêu cầu chung trước và trong khi tham gia xét hỏi

    Một là, phải hiểu thật kỹ và nắm chắc hồ sơ vụ án.

    Đây là yêu cầu quan trọng nhất, bởi lẽ có hiểu kỹ hồ sơ vụ án thì mới biết trong quá trình xét hỏi HĐXX đã hỏi đầy đủ chưa, còn thiếu vấn đề gì không, từ đó KSV mới cần hỏi. Có hiểu kỹ hồ sơ vụ án thì trong quá trình tranh luận, đối đáp với Luật sư và đối đáp với những người tham gia tố tụng khác, KSV mới nắm được việc phải trích cứu tài liệu, chứng cứ nào, ở bút lục nào khi trả lời, đối đáp với các câu hỏi mà Luật sư và những người tham gia tố tụng khác đưa ra.

    Hai là, phải nắm chắc và hiểu đúng các quy định của pháp luật về (BLHS, BLTTHS, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản áp dụng pháp luật khác có liên quan đến vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng khi giải quyết vụ án để đưa ra xét xử. Việc nắm chắc các quy định của pháp luật giúp KSV xác định được HĐXX điều hành, giải quyết vụ án tại phiên tòa đúng hay sai; quyền và nghĩa vụ của KSV và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà đã được tuân thủ đúng pháp luật chưa? Những nội dung mà người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa đưa ra để đối đáp với KSV hoặc đề nghị HĐXX áp dụng có chính xác không?

    Ba là, trước khi THQCT tại phiên toà, KSV bắt buộc phải xây dựng đề cương xét hỏi một cách chi tiết, câu hỏi phải ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu, rõ ràng. Việc xây dựng đề cương xét hỏi để làm rõ các tình tiết gỡ tội, buộc tội đối với bị cáo. Chỉ khi nào xác định được tất cả các tình tiết gỡ tội, thì mới buộc tội đúng. Trong đề cương xét hỏi, KSV cần phải chú ý đến những vấn đề khiếu nại, tố cáo của đương sự, dư luận xã hội, dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như việc các bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khai khác với lời khai có trong hồ sơ vụ án, phải dự kiến câu hỏi để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

    Bốn là, khi kiểm sát việc xét hỏi tại phiên tòa, KSV phải bảo đảm xét hỏi theo trình tự được quy định tại Điều 307 BLHS năm 2015, nếu chủ tọa phiên tòa điều hành trong quá trình xét hỏi không tuân thủ trình tự xét hỏi theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì KSV phải nhắc nhở HĐXX thực hiện đúng quy định của pháp luật.

    Năm là, khi tham gia xét hỏi KSV phải ứng xử có văn hóa, lịch sự có tâm lý tự tin, bình tĩnh, chủ động và bản lĩnh vững vàng, nắm chắc từng bước để xét hỏi, chú ý chỉ hỏi những nội dung mà trước đó HĐXX chưa hỏi hoặc đã hỏi nhưng không rõ ràng. Để xác định những nội dung nào chưa hỏi thì KSV chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ và đánh dấu (hoặc gạch bỏ) vào đề cương đã dự kiến câu hỏi, còn câu hỏi nào đã dự kiến nhưng HĐXX chưa hỏi thì KSV sẽ hỏi. Khi KSV hỏi phải tránh hỏi lặp lại những câu hỏi mà HĐXX đã hỏi mà bị cáo đã trả lời rõ ràng theo yêu cầu câu hỏi. Chỉ khi thấy thật cần thiết mới hỏi câu hỏi lặp lại mà bị cáo trả lời chưa rõ ràng, chưa đủ ý, chưa đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi, hoặc hỏi lặp lại để nhấn mạnh một vấn đề nào đó xét thấy rất quan trọng. Kiểm sát viên phải nắm được tâm lý, độ tuổi, giới tính, nhận thức xã hội và suy nghĩ của từng người tham gia tố tụng mà đưa ra câu hỏi cho phù hợp, tránh trường hợp để người tham gia tố tụng khi được hỏi nổi nóng, không kìm chế được.

    Một số kỹ năng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

    Kỹ năng xét hỏi bị cáo tại phiên tòa

    Việc xét hỏi bị cáo tại phiên toà là nội dung quan trọng nhất trong việc xét hỏi tại phiên tòa. Bởi lẽ, bị cáo là đối tượng chính của việc xét xử, là người thực hiện hành vi phạm tội, biết rõ nhất những nội dung, các tình tiết liên quan đến vụ án và phải chịu hình phạt. Vì vậy, KSV cần chú trọng xét hỏi bị cáo để đạt được mục đích buộc tội của mình. Trên cơ sở đề cương xét hỏi mà KSV đã chuẩn bị trước, tại phiên tòa, KSV phải chú ý lắng nghe, theo dõi, đối chiếu với những câu hỏi của thành viên HĐXX, nếu họ hỏi trùng với câu hỏi của KSV đã dự thảo trong đề cương và bị cáo đã trả lời rõ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của câu hỏi thì KSV phải đánh dấu (hoặc gạch bỏ) để không hỏi nữa, nếu các thành viên trong HĐXX hỏi trùng với câu hỏi mà KSV dự kiến hỏi nhưng bị cáo trả lời chưa đầy đủ, rõ ràng thì KSV cũng đánh dấu lại với ký hiệu khác để hỏi lại cho rõ thêm. Nếu người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đặt những câu hỏi không liên quan đến việc giải quyết vụ án thì KSV phải lưu ý HĐXX yêu cầu họ tập trung đặt câu hỏi đối với bị cáo (từng bị cáo) sau khi đã được sự đồng ý của HĐXX, hoặc được HĐXX yêu cầu hỏi.

    Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án (khoản 2 Điều 309 BLTTHS năm 2015) để có cơ sở bổ sung, đề xuất trong phần luận tội (đề xuất về tội danh, hình phạt và các quyết định khác có liên quan…) trừ những câu hỏi mà các thành viên HĐXX đã hỏi và bị cáo đã trả lời rõ. Khi hỏi, KSV phải đặt câu hỏi trực tiếp liên quan đến việc làm sáng tỏ các tình tiết, nội dung của vụ án, tránh các câu hỏi dài dòng, khó hiểu và nặng về giải thích.

    Trường hợp khi hỏi bị cáo im lặng không khai báo hoặc thay đổi lời khai tại Cơ quan điều tra thì KSV phải giải thích, thuyết phục để bị cáo suy nghĩ trả lời. Nếu bị cáo vẫn thể hiện thái độ cố tình không khai báo thì KSV căn cứ vào các tình huống đã dự kiến trong đề cương xét hỏi để nêu câu hỏi có tính sắc bén, từng bước đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo hoặc chuyển sang hỏi bị cáo khác, không được mớm cung, tỏ thái độ cáu gắt, dọa dẫm, KSV chỉ được công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 308 BLTTHS năm 2015. Đồng thời, chỉ cần công bố những lời khai có ý nghĩa chứng minh về các tình tiết của vụ án. Nếu lời khai của bị cáo mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan điều tra thì yêu cầu bị cáo khai rõ lý do có sự mâu thuẫn đó để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tính trung thực, khách quan trong lời khai của bị cáo. Việc xét hỏi đối với bị cáo mà trước đó đã bị cách ly được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 309 BLTTHS năm 2015.

    Khi tham gia xét hỏi bị cáo, thái độ của KSV cần phải bình tĩnh, không “đao to, búa lớn” đe dọa bị cáo khi xét hỏi; không cứng nhắc phụ thuộc hoàn toàn vào đề cương xét hỏi mà phải linh hoạt, chủ động, nhanh nhạy đưa ra những câu hỏi phù hợp với tình hình diễn biến của phiên toà, trên cơ sở đó kịp thời bổ sung vào bản dự thảo luận tội nhằm bảo đảm cho việc luận tội có tính thuyết phục cao. Về xưng hô tại phiên tòa, KSV phải thể hiện đúng tư cách của người tiến hành tố tụng đối với bị cáo, cụ thể phải gọi là bị cáo, tuyệt đối không xưng hô anh, chị, ông, bà... “khai rõ”; không được sử dụng từ bị cáo “trình bày rõ” hoặc bị cáo “giải thích rõ”.

    Đối với vụ án có bị cáo chối tội, vụ án có nhiều bị cáo khác đồng phạm với bị cáo chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo (là đại ca, là bạn bè thân thiết của nhau, là người trong gia đình họ hàng, là cấp trên với cấp dưới trước khi phạm tội...), KSV phải chủ động phối hợp để cách ly trước hoặc đưa ra phương thức xét hỏi cho phù hợp, khi xét hỏi có thể xét hỏi những bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trước, sau cùng mới hỏi đến bị cáo phản cung hoặc chối tội không có căn cứ. Đối với bị cáo chối tội, khi xét hỏi phải có sự đấu tranh trên cơ sở các chứng cứ và kết quả xét hỏi các bị cáo đã xét hỏi trước đó, ví dụ: Bị cáo với vai trò chủ mưu, chỉ đạo nhưng không nhận tội thì phải xét hỏi bị cáo thực hành trước. Đối với những bị cáo khai báo thành khẩn, nhận tội thì cũng cần chọn bị cáo có tầm ảnh hưởng đối với những bị cáo khác để xét hỏi trước, làm tiền đề cho các bị cáo đồng phạm khác suy nghĩ để khai.

    Trong trường hợp cần thiết phải xét hỏi bổ sung để làm rõ thêm về một tình tiết nào đó thì KSV đề nghị chủ tọa phiên tòa quyết định việc xét hỏi (Điều 318 BLTTHS năm 2015) để làm rõ.

    Trước khi kết thúc phần xét hỏi bị cáo, KSV phải đưa ra các câu hỏi “chốt lại” để bị cáo khẳng định lời khai của mình là trung thực, chính xác và tự xác định, thừa nhận hành vi của mình là phạm tội. Nếu bị cáo không thừa nhận thì có thể tiếp tục xét hỏi để làm rõ những vấn đề không thừa nhận đó. Đối với bị cáo cố tình chối tội, không thừa nhận mà KSV, HĐXX đã xét hỏi kỹ thì có thể kết thúc phần xét hỏi mà không cần xét hỏi thêm nữa.

    Kỹ năng xét hỏi đối với bị hại, đương sự hoặc đại diện của họ

    Theo quy định tại Điều 310 BLTTHS năm 2015 thì bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ được trình bày trước về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, HĐXX, KSV, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự mới hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đủ hoặc có mâu thuẫn. Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo. Vì vậy, KSV phải chú ý lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến của những người này, những câu hỏi của HĐXX và trả lời của họ. Sau đó, KSV cần đối chiếu với dự thảo đề cương xét hỏi đã chuẩn bị, nếu điểm nào chưa rõ thì KSV có thể hỏi thêm để làm rõ, tránh hỏi trùng lặp.

    Về phương pháp hỏi, KSV cần đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng này, cách xưng hô của KSV với những người tham gia tố tụng này khác với cách xưng hô với bị cáo, tùy theo độ tuổi, giới tính cho phù hợp như: Ông, bà, anh, chị...

    Kỹ năng xét hỏi người làm chứng

    Tại phiên tòa, đối với những vụ án có nhiều người làm chứng, HĐXX phải tách riêng từng người để hỏi nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai của họ, không để lời khai của người làm chứng này ảnh hưởng đến lời khai của người làm chứng khác. Nếu HĐXX không thực hiện vấn đề này thì KSV đề nghị HĐXX khắc phục kịp thời. Việc lựa chọn người làm chứng nào để hỏi trước, người làm chứng nào để hỏi sau cũng có ý nghĩa trong việc làm rõ sự thật khách quan về những tình tiết có liên quan của vụ án.

    Cũng như những người tham gia tố tụng khác, người làm chứng thường được HĐXX cho trình bày trước những điều mà họ biết về các tình tiết của vụ án, về mối quan hệ của họ với bị cáo và các đương sự khác. Vì vậy, KSV phải chú ý lắng nghe, ghi chép lại những vấn đề có liên quan, đặc biệt là các tình tiết có ý nghĩa trong việc buộc tội và gỡ tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo mà người làm chứng cung cấp. Sau khi HĐXX hỏi, nếu thấy điểm nào chưa được làm rõ thì KSV tiếp tục hỏi, yêu cầu người làm chứng trình bày làm rõ thêm. Trường hợp lời khai của những người làm chứng có mâu thuẫn với nhau hoặc có mâu thuẫn với lời khai của bị hại thì KSV đề nghị HĐXX cho phép được gọi những người này để đối chất ngay tại phiên tòa nhằm làm sáng tỏ những tình tiết còn mâu thuẫn.

    Khi tham gia xét hỏi người làm chứng, KSV cần chú ý trạng thái tâm lý của họ để đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề thật cụ thể giúp họ dễ trả lời. Đối với người làm chứng là người dưới 18 tuổi thì tùy trường hợp có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi. Khi người làm chứng xuất trình chứng cứ, tài liệu mới tại phiên tòa, KSV cần kiểm tra, xét hỏi về nguồn gốc nội dung để có kết luận về tính hợp pháp và tính có căn cứ của chứng cứ, tài liệu đó. Trường hợp chưa đủ điều kiện kết luận mà chứng cứ, tài liệu mới đó có thể làm thay đổi nội dung, tính chất vụ án thì KSV đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để xác minh.

    Theo quy định tại các điều 312, 314 BLTTHS năm 2015, trong quá trình tham gia xét hỏi người làm chứng tại phiên tòa, KSV có thể đề nghị HĐXX, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng có liên quan đến vụ án nhưng không thể đưa đến phiên tòa được hoặc xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án.

    Trong trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc bị cáo tố giác bị bức cung, dùng nhục hình, KSV có thể đề nghị HĐXX quyết định việc cho xem, nghe nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên tòa (Điều 313 BLTTHS năm 2015). Kiểm sát viên có thể yêu cầu HĐXX triệu tập cán bộ bị tố cáo bức cung, dùng nhục hình đến phiên tòa để hỏi rõ (hoặc đối chất) về việc có bức cung, dùng nhục hình hay không?

    Trong quá trình xét hỏi, sau khi đã hỏi mà có vấn đề cần hỏi bổ sung để làm rõ thì KSV đề nghị HĐXX cho hỏi thêm theo quy định tại Điều 318 BLTTHS năm 2015 để làm rõ.

    Kỹ năng hỏi người giám định, người định giá tài sản và người khác

    Trong trường hợp cần thiết, nếu HĐXX không hỏi người giám định, người định giá tài sản thì KSV đề nghị HĐXX tiến hành hỏi người giám định, người định giá tài sản theo quy định tại Điều 316 BLTTHS năm 2015. Khi trình bày, người giám định, người định giá tài sản có quyền giải thích, bổ sung về kết luận giám định, định giá tài sản, căn cứ đưa ra kết luận giám định, định giá tài sản. Kiểm sát viên cần chú ý để hỏi rõ những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án. Trong trường hợp người giám định, người định giá tài sản không có mặt tại phiên tòa, KSV đề nghị chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định, định giá tài sản (nếu chủ tọa phiên tòa không công bố). Trong trường hợp cần thiết, KSV có quyền đề nghị HĐXX quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản.

    Ngoài một số kỹ năng nêu trên, muốn nâng cao năng lực xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự, trước hết mỗi KSV phải tích cực nghiên cứu, học tập để nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, các văn bản luật có liên quan, các hướng dẫn áp dụng pháp luật; thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về tham gia phiên tòa sơ thẩm hình sự như: Kỹ năng diễn đạt, kỹ năng xét hỏi, kỹ năng trình bày bản luận tội, kỹ năng đối đáp, khả năng phản xạ linh hoạt trước các nội dung mới phát sinh tại phiên tòa. Đồng thời, KSV cần thể hiện sự ứng xử có văn hóa trong thái độ, cách xưng hô tại phiên tòa, bảo đảm tôn trọng sự điều hành của chủ tọa phiên tòa và những người tham gia tố tụng, nhất là những người tham gia tranh luận với mình, làm tốt những vấn đề nêu trên là trực tiếp nâng cao vị thế của chính KSV tại phiên tòa và cũng là góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân./.

     Theo Kiemsat.vn

     
    4369 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn MinhPig vì bài viết hữu ích
    sonbnpc46 (09/09/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận