Câu hỏi:
Chào Luật sư!
Luật sư cho tôi hỏi về vấn đề sau: Tôi là kỹ sư điện, làm việc ở Công ty 100% vốn nước ngoài, thỏa thuận thử việc 4 tháng. Hết thời hạn thử việc không thấy công ty nói gì về việc ký hợp đồng lao động chính thức, tôi vẫn đi làm và được giao việc bình thường. Nhưng làm được 9 tháng (sau khi thử việc) thì Công ty gặp khó khăn nên tổ chức cơ cấu lại lao động và thông báo cho tôi nghỉ việc với lý do Công ty và tôi không có quan hệ lao động. Vậy Công ty chấm dứt hợp đồng với tôi là đúng hay sai (căn cứ ở đâu)? Nếu sai thì tôi nộp đơn khởi kiện tại Tòa nào và quyền lợi của tôi được giải quyết như thế nào theo quy định pháp luật?
Rất mong được sự giải đáp của Luật sư. Tôi xin cảm ơn!
Đầu tiên là về vấn đề thử việc:
Theo quy định tại Điều 27 – Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời gian thử việc thì: Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và thời gian là không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
Như bạn nói thì Công ty đã yêu cầu bạn thử việc trong vòng 04 tháng, vậy là trái với quy định của pháp luật.
Công ty sẽ bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thử việc quá thời gian quy định và kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động. (Khoản 2 Điều 6 – Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động).
Bên cạnh đó, bạn có quyền yêu cầu Công ty hoàn trả số tiền chênh lệch trong 2 tháng làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ 3 đến ngày cuối cùng của tháng thứ 4 theo thời gian thử việc mà Công ty yêu cầu (chênh lệch giữa mức lương thử việc và mức lương thực tế).
Không ký kết hợp đồng lao động sau khi thử việc
Điều 29 – Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
-
Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
-
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Như vậy, về nguyên tắc sau khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với bạn. Theo đó, khi hết thời gian thử việc mà Công ty không ký kết hợp đồng lao động với bạn, bạn cũng không được thông báo kết quả thử việc và vẫn tiếp tục làm việc cho Công ty thì bạn đương nhiên được làm việc chính thức.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thời gian thử việc thì sẽ được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại hợp đồng nào và trong thời hạn bao lâu. Do đó phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký hợp đồng lao động loại nào, dùng thông tin này làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.
Về việc Công ty cho bạn thôi việc:
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 36 – Bộ luật Lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có quyền cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.
Vậy trong trường hợp của bạn, Công ty đang gặp khó khăn về tài chính và tổ chức cơ cấu lại lao động nên Công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Song song với quyết định cho bạn nghỉ việc, Công ty có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm cho bạn.
Tính cả thời gian thử việc (4 tháng) và thời gian làm việc chính thức (9 tháng) thì bạn đã làm việc cho Công ty tất cả là 13 tháng liên tục.
-
Trợ cấp thôi việc: (Điều 48 – Bộ luật Lao động 2012)
Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiến lương..
-
Trợ cấp mất việc làm: (Điều 49 – Bộ luật Lao động 2012)
Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng ½ năm./.