Khi sập cầu thì ai là người chịu trách nhiệm?

Chủ đề   RSS   
  • #616152 09/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1099)
    Số điểm: 18356
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 363 lần
    SMod

    Khi sập cầu thì ai là người chịu trách nhiệm?

    Khi sập cầu nhưng không phải lỗi do người tham gia giao thông vi phạm nguyên tắc tham gia giao thông đường bộ hay điều kiện khách quan khác mà do kết cấu của cầu thì ai là người chịu trách nhiệm? 

    Cầu có phải là công trình xây dựng không?

    Theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có giải thích công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

    Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP phân loại công trình xây dựng theo công năng sử dụng thì có:

    - Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng (công trình dân dụng)

    - Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp (công trình công nghiệp).

    - Công trình cung cấp các cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật (công trình hạ tầng kỹ thuật).

    - Công trình phục vụ giao thông vận tải (công trình giao thông).

    - Công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn).

    Trong đó, công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh là công trình phục vụ giao thông vận tải.

    Như vậy, cầu cũng là một công trình xây dựng.

    Khi sập cầu thì ai là người chịu trách nhiệm?

    Theo Điều 45 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định giải quyết sự cố công trình xây dựng như sau:

    - Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì giải quyết sự cố công trình xây dựng và thực hiện các công việc sau:

    + Xem xét, quyết định dừng, tạm dừng thi công hoặc khai thác sử dụng đối với hạng mục công trình, một phần hoặc toàn bộ công trình tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố;

    + Xem xét, quyết định việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận. Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn;

    + Thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố cho chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan; các yêu cầu đối với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc các bên có liên quan phải thực hiện để khắc phục sự cố;

    + Xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật;

    + Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì giải quyết đối với sự cố công trình xây dựng cấp II, cấp III trên địa bàn.

    - Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng trong quá trình thi công xây dựng hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình trong quá trình khai thác, sử dụng có trách nhiệm khắc phục sự cố theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi khắc phục sự cố, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục thi công hoặc đưa công trình vào sử dụng.

    - Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.

    - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về báo cáo và giải quyết sự cố đối với công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

    Như vậy, khi cầu sập thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, khắc phục sự cố. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ. Bên nào gây ra thiệt hại thì bên đó phải bồi thường.

    Nhà thầu vi phạm quy định về xây dựng để sập cầu thì chịu trách nhiệm hình sự thế nào?

    Theo Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

    - Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Làm chết người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    + Làm chết 02 người;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Làm chết 03 người trở lên;

    + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, nhà thầu vi phạm quy định về xây dựng để sập cầu thì sẽ tuỳ vào hậu quả của tai nạn mà sẽ bị phạt tiền đến 500 triệu, phạt tù cao nhất đến 15 năm.

     
    114 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận