Khi “công bộc” có quyền bắn thẳng vào dân

Chủ đề   RSS   
  • #248333 13/03/2013

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Khi “công bộc” có quyền bắn thẳng vào dân

    Khoản 2, Điều 18 dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định:

    “Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.”

    Chính quyền, ở đây là Bộ Công an mong muốn nhằm chi tiết hóa quy định nổ súng của người thi hành công vụ có thẩm quyền đã được quy định tại khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2012).

    Cưỡng chế ở Tiên Lãng & Chống người thi hành công vụ
    Cưỡng chế ở Tiên Lãng &  Chống người thi hành công vụ

    Tuy nhiên, lại đi “chi tiết” hóa quy định của Pháp lệnh bằng một “căn cứ thực tế” mơ hồ, tin tưởng hoàn toàn vào cảm nhận chủ quan của người thi hành công vụ và cho họ quyền được phán xét hành vi của người dân là “có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”  thì được nổ súng trực tiếp vào người!

    Như vậy, bản thân quy định của Nghị định đã tách ra độc lập chứ không còn là hướng dẫn, chi tiết Pháp lệnh nữa, trao cho người thi hành công vụ một cái quyền tự phán quyết tính mạng, sức khỏe của người dân dựa trên cảm nhận chủ quan của họ.

    Trong khi đó, pháp luật hiện hành đã có các quy định điều chỉnh, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ rất cụ thể tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP, Bộ luật hình sự. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng đã có các quy định về miễn chế tài đối với các trường hợp bắt buộc phải phòng vệ chính đáng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức ... Như vậy, trong phạm vi công vụ hay ngoài thực tiễn đời sống đã đặt ra các khả năng đối phó một cách chính đáng đối với hành vi dùng vũ lực, vũ khí trái pháp luật.

    Do đó, một khi đã có quy định về các trường hợp được nổ súng, nguyên tắc thực thi các trường hợp đó thì người thi hành phải thực hiện đúng các quy định đó. Không thể lại trao thêm cho lực lượng thi hành công vụ quyền “được bắn” mà nhiều người gọi là quyền được “thi hành án” dù chưa có quyết định, bản án của Tòa.

    Nhưng, đằng sau chuyện này là gì?

    Con số được Bộ Công an nêu trong dự thảo Tờ trình Nghị định gom lại trong 10 năm từ năm 2002 đến tháng 6 năm 2012 cho thấy: có 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng Công an.

    Những con số đó nói lên rằng đã và đang có những xung đột, một khoảng cách khá xa giữa “Công an nhân dân” và “nhân dân”. Vì sao giữa “công bộc của dân” và dân lại có khoảng cách ấy, một khi mối quan hệ đó đã được hiến định? Mặc dù ở đây phải khẳng định, cũng có người dân hành xử đúng pháp luật, có người dân hành xử trái pháp luật, nhưng có khi nào chúng ta bàn đến cách hành xử của “công bộc” đối với dân?  Thực tiễn cuộc sống chỉ ra tình trạng “chửi dân”, hách dịch với nhân dân thì không thể thống kê, và cũng chẳng thấy ai làm. Mới đây, chẳng phải có tin cán bộ ngân hàng nhà nước mỉa mai dân đó sao, lại ông cục phó bảo các nhà báo thiểu năng này nọ ...

    Đừng đỗ hết cho dân mà dân tội.

    Điều 8 Hiến pháp 1992 quy định như sau về công bộc của dân: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”

    Gần dân có khó đâu, biết được đích thực giới hạn quyền lực của mình khi được trao, nhận thức đúng công việc mà dân giao, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của “người nhà nước” như hiến định, luật định. Gần dân đâu chỉ dừng lại ở việc đi xe đạp chạy xuống hỏi thăm dân cho dân thấy mình thân thiện dễ gần, như cách làm mới đây của công an một phường ở Đà Nẵng?

    Hình thức chỉ có giá trị đầy đủ khi phía trong nó là một nội dung, bản chất trung thực.

    Đứng rất xa dân nên đã có rất nhiều quy định được ban hành ra thiếu thực tiễn, hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội không có, thậm chí phản tác dụng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của nhà nước. Đứng rất xa dân nên khi dân thấy việc thêm “quyền bắn vào dân” cho công bộc ắt sẽ làm dân lo lắng.

    Một khi chưa hiến định được việc kiểm soát, giám sát, chế tài quyền lực của dân được giao vào giới công quyền. Một khi chưa có cơ sở nào hiện tại để tránh lạm quyền mà còn tăng thêm quyền cho công bộc của dân trong một hiện trạng giữa dân và “công bộc” đang còn khoảng cách quá lớn. Một khi chỉ tăng quyền tự vệ cho chính quyền mà không tăng quyền được bảo vệ quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho dân. Thì thực sự quyền lực đang nằm ở đâu?

    Trước khi trao quyền phải kiểm soát được quyền.

    Việc lập pháp hiện nay chính cũng là điều cần làm đó. Nhưng, thay vì nghiên cứu và làm điều ấy, người ta lại cứ động viên dân trao quyền mà không chấp nhận ý kiến của dân về việc tạo ra một cơ chế kiểm soát được quyền dân trao cho “công bộc”. Lẽ ấy sinh ra sự lạm quyền ngày càng nhiều, sự nghịch hướng trong mối tương quan giữa người dân và “công bộc” của dân ngày càng tăng. Quyền lực dần chuyển sang phía thiểu số, trí tuệ, năng lực, sức vóc của một dân tộc bị kìm tỏa bởi ý muốn cảm tính của một bộ phận “lợi ích nhóm” ngày càng hiện hữu.

    Từ câu chuyện người dân sợ một số người có ý định đưa súng cho “công bộc” bắn thẳng vào mình, thì việc nhân dân đòi lại quyền lập pháp cho mình thực là điều rất hệ trọng.

    Chỉ dân tộc, mà ở đó nhân dân có thực sự quyền của mình về lập hiến, lập pháp, lập quy một cách thực chất ở các cấp độ trực tiếp, gián tiếp khác nhau thì mới mong tạo ra được một cơ sở giám sát quyền lực để chống lại lạm quyền.

    Cũng chỉ có một dân tộc mạnh mẽ hùng cường và có quyền tự quyết trên cơ sở ý chí nhân dân mới đủ sức mà dựng xây một đất nước hùng cường, mới đủ sức mà canh, mà giữ biên cương, chủ quyền lãnh thổ.  

    Quyền của nhân dân không phải ngẫu nhiên mà có mà phải giành giật, phải kiếm tìm, phải thuyết phục, phải khai sáng, phải biết tự nhân dân nắm lấy. Để có được quyền nào đó của mình trong một nhà nước pháp quyền, trước hết nhân dân phải có được thực sự cho mình quyền làm hiến pháp ... 

    Lê Cao

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    9603 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #248525   14/03/2013

    nguyenkhanhchinh
    nguyenkhanhchinh
    Top 10
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/09/2011
    Tổng số bài viết (6840)
    Số điểm: 79446
    Cảm ơn: 1955
    Được cảm ơn 3776 lần


    Thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp mang lại quyền lợi cho dân, y như những gì mà ngày nào đó Bác Hồ đã dạy. Đã lâu lắm rồi, tôi chắc có nhiều người đọc, viết...cho đúng thể thức, chứ mấy ai quan tâm đến mục đích của câu "độc lập, tự do, hạnh phúc" nữa.

    Đảng và Nhà nước cần phải, bắt buộc phải biết lý do vì sao ngày càng nhiều người chống người thi hành công vụ. Tôi nghĩ họ không phải không biết đâu, sâu sắc nữa là khác, nhưng giải pháp vẫn chỉ là "tăng mức phạt", "dùng súng...".

    Người dân Việt ngày nào đó niềm tin tràn đầy, chùa chiền thờ cúng là việc hiếu nghĩa nhân đạo; còn hiện nay? Việc đi chùa trở thành nơi để giải bày bao nhiêu thứ, cầu nguyện bao nhiêu thứ... chứng tỏ rằng niềm tin vào những thứ gì đó không còn nhiều, và họ chuyển niềm tin sang thần thánh, chúa, phật để giúp họ giải thoát những khó khăn.

    Những khó khăn chung thì chưa nói, ngay cả những vấn đề pháp luật đã quy định rõ rồi, mà vẫn bị làm khó bởi không ít người ngồi ghế xoay.

    Tôi phản đối Dự thảo NĐ này, Chính phủ/Đảng cần có giải pháp khác và để dành đạn mà bắn bọn giặc ngoại xâm-cướp nước, bắn bọn tham nhũng, bắn bọn nhũng nhiễu dân.

    Bạn nào phản đối Dự thảo NĐ trên thì hắt xì cái nhé!

    Cảm ơn!

    0917 313 339

     
    Báo quản trị |  
    5 thành viên cảm ơn nguyenkhanhchinh vì bài viết hữu ích
    SAdmin (14/03/2013) thanhhaipx (14/03/2013) admin (15/03/2013) lawcao (16/03/2013) hocluat_gB776010 (15/03/2013)
  • #248702   15/03/2013

    lawcao
    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


     

    Một ý kiến khác về dự thảo này: 

    "Dự thảo nghị định vừa thừa vừa không đúng thẩm quyền

    Nếu cho rằng vì chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an đưa ra dự thảo nghị định, theo tôi là không thuyết phục. Bởi lẽ:

    Thứ nhất, các trường hợp được nổ súng đã được quy định rất cụ thể tại điều 22, pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc nổ súng của công an nhân dân được bộ trưởng Bộ Công an quy định, tuy nhiên quy định gì thì cũng không được trái điều 22 pháp lệnh 16. Vấn đề là ở chỗ Bộ Công an cần tổ chức tập huấn cho các cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ liên quan đến việc nổ súng, để họ nắm chắc các trường hợp được nổ súng, trường hợp nào không; thế nào là phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; trường hợp nào tuy không phải phòng vệ nhưng vẫn có quyền nổ súng mà không phải chịu trách nhiệm.

    Nếu so với Bộ luật hình sự thì pháp lệnh 16/2011 quy định còn đầy đủ hơn, rõ ràng hơn. Bộ luật hình sự chỉ mới quy định trường hợp “phòng vệ chính đáng” (điều 15) và “tình thế cấp thiết” (điều 16), chứ chưa có quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự cho người có quyền nổ súng vào đối tượng bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải “chạy trốn”. Như vậy, các quy định tại điều 22 pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đầy đủ, rõ ràng chỉ cần áp dụng đúng là được.

    Thứ hai, pháp lệnh 16 không giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành điều 22, mà chỉ giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản cụ thể khác. Ví dụ: quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giao nộp (điều 11); quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí (điều 12); quyết định nhập khẩu vũ khí quân dụng, nhập khẩu vũ khí thể thao (điều 20); quy định việc cấp giấy phép sử dụng, giám sát tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp trong và sau khi nổ mìn (điều 27); thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (điều 35)... Do đó, nếu Chính phủ ban hành nghị định quy định các trường hợp được nổ súng thì vừa thừa vừa không đúng thẩm quyền và trái với pháp lệnh 16.

    Luật sư Đinh Văn QUế - Nguyên Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân Tối cao

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    SAdmin (15/03/2013)
  • #248727   15/03/2013

    Unjustice
    Unjustice
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/06/2010
    Tổng số bài viết (1336)
    Số điểm: 14997
    Cảm ơn: 152
    Được cảm ơn 1057 lần


    Chào luật sư,

    Thật ra thì tôi không đồng ý với nội dung tiêu đề của topic này (không rõ là Luật sư đặt hay có sự chỉnh sửa của admin).

    Trong trường hợp này, phải nói rõ rằng đây là những "người dân chưa tốt" đang trong quá trình thực hiện hoặc sắp thực hiện hành vi phạm tội phạm tội nào đó, chứ không thể dùng chữ "dân" không được. Nó rất dễ gây hiểu nhầm.

    Tuy nhiên về phần nội dung thì tôi đồng ý với luật sư rằng quy định như tại dự thảo Nghị định  chẳng giải quyết thêm được gì về vấn đề chúng ta cần bàn thảo mà chỉ làm rối thêm.

    Quan điểm của tôi về vấn đề "nổ súng" như sau

    - Thứ nhất nó phải tuân thủ với những nguyên tắc, quy định đã được nêu trong Bộ Luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Bởi vì dù là người đang thi hành công vụ nhưng nếu vượt quá những giới hạn này thì được xem như là anh đang "lạm quyền" và anh phải chịu các trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành vi lạm quyền đó.

    - Thứ hai, Nghị định phải có được quy định, hướng dẫn chi tiết hơn cho các câu hỏi dưới đây

    1 - Khi nào được nổ súng?

    2 - Nổ (bắn) vào đâu?

    3 - Mức độ nổ (bắn) như thế nào?

    - Thứ ba, việc huấn luyện người thi hành công vụ cần phải được thực hiện thường xuyên và liên tục (dựa trên các tình huống giả định hoặc vụ việc thực tế), bảo đảm tạo thành "phản xạ" của người thi hành công vụ chứ không thì hàng loạt quy định cũng vô nghĩa vì các tình huống như thế trên thực tế xảy ra rất nhanh chóng, người thi hành công vụ không có đủ thời gian để suy xét.

    Cập nhật bởi Unjustice ngày 15/03/2013 10:02:34 SA

    Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.

     
    Báo quản trị |  
    5 thành viên cảm ơn Unjustice vì bài viết hữu ích
    admin (15/03/2013) Xmen-8711 (15/03/2013) lawcao (16/03/2013) SAdmin (15/03/2013) nguyenkhanhchinh (15/03/2013)
  • #248824   15/03/2013

    Trước hết tôi đồng tình với ý kiến cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ làm việc với thái độ chưa tốt, có trường hợp có lời lẽ chưa đúng với tiêu chuẩn đạo đức, nhưng nhìn chung tổng thể thì vẫn còn nhiều người công tâm vì mục tiêu chung. Bằng chứng là trong thời gian qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định về kinh tế trong khi một số nước gặp rất nhiều khó khăn, về an ninh cũng được đánh giá cơ bản là ổn định...

    Nói đến dân cũng không nên quơ đủa cả nắm, vì đa phần là tốt nhưng còn rất nhiều cá nhân chưa tốt, thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã truyền tải rất nhiều thông tin về các đối tượng côn đồ hung hãn, giang hồ lì lợm không coi mạng sống của người khác ra gì... bao nhiêu người đã phải hy sinh? bao nhiêu người vô tội bị giết dã man.. sao không thấy các bạn quan tâm? Đồng ý là vấn đề quan trọng nằm ở ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân nhưng đâu phải ai cũng có nhận thức, ý thức tốt như các bạn... thử đặt các bạn vào tình thế phải đối mặt với những con người hung tợn đó, trong khi bạn không có điều kiện bảo vệ mình thì làm sao có thể bảo vệ những người dân khác? chả lẻ cứ phải hy sinh để được tiếc thương, được công nhận liệt sỹ.. nếu là bạn bạn chấp nhận như thế không? biết bao người đã ra bỏ lại gia đình, bỏ lại bạn bè để bảo vệ các bạn để đổi lại được gì?

    Nói về quy định nổ súng thì khi xem xét vấn đề có phải là hợp lý không người ta cũng phải cân nhắc, pháp luật đã quy định ai vượt quá thì tùy theo mức độ sẻ bị xử lý, đâu phải ai muốn làm gì thì làm...

    Nói về dân chủ thì đó chẳng phải là bảo vệ cho đa số những công dân lương thiện, hạn chế sự nguy hại của những người nguy hiểm hay sao? Hãy thử nhìn sang các nước khác luôn cho mình là dân chủ xem người ta nổ súng thế nào??Đánh giá vấn đề cũng nên nhìn về tổng quan, nhìn đến cái chung không nên vì một số cái nhỏ chưa tốt mà vội quy kết. Nhưng dù sao phản ánh vẫn là điều tốt. Xin chúc cho diễn đàn ngày càng phát triển.

     
    Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn huynhpro69 vì bài viết hữu ích
    danusa (18/03/2013) nguyenkhanhchinh (15/03/2013) hocluat_gB776010 (15/03/2013)
  • #248834   15/03/2013

    nguyenkhanhchinh
    nguyenkhanhchinh
    Top 10
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/09/2011
    Tổng số bài viết (6840)
    Số điểm: 79446
    Cảm ơn: 1955
    Được cảm ơn 3776 lần


    Cảm ơn góc nhìn của pác huynhpro!

    Theo pháp lệnh 16/2011/UBTVQH, quy định 7 trường hợp nổ súng;

    Pháp lệnh cũng đã thể hiện nguyên tắc trước khi nổ súng.

    Quan điểm của tôi là nổ đâu thì nổ, bắn đâu cũng được, nhưng đừng bắn vào dân!

    - Tôi thừa nhận không ít hành vi hung hãn chống người thi hành công vụ, vì nhiều lý do, trong đó có mục đích vụ lợi; và không loại trừ những lý do đó xuất phát từ chính những người đang cầm quyền. Tức nước thì vỡ bờ! Chống người thi hành công vụ chỉ là vỡ nhỏ, còn vỡ lớn nếu những người cầm quyền không thay đổi.

    => Không lẽ hết giải pháp để giải quyết mâu thuẫn này? Hay như ngày xưa mang súng đi ... giết ngụy quyền!?

    - Chính quyền đừng thể hiện sự bất lực trong quản lý, Bộ luật Hình sự đang cố gắng để giảm án tử hình, thi hành chính sách nhân đạo, mà lại cho phép bắn vào người dân trong khi thi hành công vụ!

    - Bảo vệ nhân dân, bảo vệ trị an là trách nhiệm của người thi hành công vụ, dù gian khổ hi sinh vẫn phải hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Biết rằng nhiều rủi ro, nhưng như đã nói trên, thay vì bắn nhau (giữa người được coi là dân và người được coi là công vụ), hãy tìm giải pháp khác thông minh hơn. Vạch sẵn kế hoạch hoặc được đào tạo để vạch kế hoạch trong thời gian tích tắc mà xử lý.

    - Người thi hành công vụ vượt quá thì bị xử lý, nhưng việc cho phép sẽ khác!!!! Người dân cũng vậy, hành vi nào nguy hiểm cũng bị pháp luật trừng trị theo luật, đó là sự công bằng.

    - Dân không muốn chống đối đâu, người thi hành công vụ cũng chẳng ai muốn bắn vào dân; viên đạn nó cắn rứt lương tâm ghê lắm chớ.

    Vì vậy, đừng bắn vào dân, tìm giải pháp khác.

    0917 313 339

     
    Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn nguyenkhanhchinh vì bài viết hữu ích
    Unjustice (18/03/2013) lawcao (16/03/2013) SAdmin (15/03/2013) hocluat_gB776010 (15/03/2013)
  • #249096   17/03/2013

    lawcao
    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Chân thành cảm ơn các anh chị, các bạn đã chia sẻ các nội dung liên quan đến bài viết. 

    Xin được giới thiệu một Bảng góp ý khác đối với Dự thảo này của bạn Hoàng Thạch: 
     

     

    STT
    Quy định liên quan
    Tiêu chí vi phạm
    Trích Dẫn, Phân tích & Góp ý
    1
    - Khoản 1 Điều 3 về giải thích thuật ngữ “người thi hành công vụ”
    - Khoản 1 Điều 3 Luật bồi thường nhà nước.
    Tính minh bạch
    Phân tích: Dự thảo quy định “Người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.
    Trong khi đó Khoản 1 Điều 3 Luật bồi thường Nhà nước quy định “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”.
    Hai quy định này có nội hàm không khác nhau. Tuy nhiên việc diễn giải khác nhau dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
    Góp ý: Khi giải thích thuật ngữ “người thi hành công vụ” thay vì Nghị định tự đưa ra một quy định riêng thì nên sử dụng quy định này trong Luật bồi thường Nhà nước.
     
    2
    - Khoản 2 Điều 3 dự thảo về giải thích thuật ngữ “chống người thi hành công vụ”
    - Khoản 1 Điều 257 BLHS 1999 (sửa đổi năm 2010) về tội “chống người thi hành công vụ”
    - Khoản 9 Điều 8, Điểm b Khoản 2 Điều 38 Nghị định24/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định71/2012/NĐ-CP.
    Tính thống nhất
    Phân tích: Khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định “Chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ
    Trong khi đó Khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
    Như vậy có thể thấy Dự thảo quy định 03 nhóm hành vi chống người thi hành công vụ: 1 - nhóm hành vi cản trở; 2 - nhóm hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu; 3 - nhóm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người thi hành công vụ.
    Trong khi Bộ luật hình sự chỉ xử lý hình sự đối với nhóm hành vi cản trở người thi hành công vụ.
    Còn 02 nhóm hành vi còn lại là không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu; và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ mặc dù được dự thảo quy định là hành vi “chống người thi hành công vụ” nhưng nếu hành vi đó nguy hiểm đến mức cần xử lý hình sự thì lại sẽ không bị xử lý về tội “chống người thi hành công vụ” mà bị xử lý về các tội tương ứng khác tùy từng trường hợp. VD: tội “làm nhục người khác” Điều 121 BLHS hoặc người không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu trong khi tham gia giao thông đường bộ thì bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” – Điều 202 BLHS. Điều này là bất hợp lý.
    Ngoài ra quy định  trên còn mâu thuẫn với những văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Ví dụ trong Nghị định34/2010/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định71/2012/NĐ-CP  quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng không coi hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ là hành vi “chống người thi hành công vụ” thể hiện qua các liên từ “hoặc”, dấu phẩy để liên kết các cụm từ trên với nhau.
    Cụ thể tại Khoản 9 Điều 8 Nghị định này quy định “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều này mà gây tai nạnhoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ
    Tại Điểm b khoản 2 Điều 38 quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây::.. bCó lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm b Khoản 8, Khoản 9 Điều 8; Điểm g Khoản 6, Khoản 8 Điều 9; Khoản 2, Điểm a Khoản 5 Điều 37 của Nghị định này;”.
    Kiến nghị: Không coi nhóm hành vi về không chấp hành yêu cầu, hiệu lệnh hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ là hành vi ”chống người thi hành công vụ” mà đó là hành vi độc lập, chỉ giữ lại nhóm hành vi cản trở người thi hành công vụ.
     
    3
    - Khoản 4 Điều 3 dự thảo quy định về giải thích thuật ngữ ”dùng thủ đoạn khác để chống người thi hành công vụ”.
    - Khoản 2 Điều 3 dự thảo về giải thích thuật ngữ ”chống người thi hành công vụ”
     
     
    Tính minh bạch, tính thống nhất.
    Phân tích: Khoản 4 Điều 3 Dự thảo quy định “Dùng thủ đoạn khác để chống người thi hành công vụ là việc sử dụng lời nói, cử chỉ, hành động để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ hoặc đe dọa tố cáo, tiết lộ bí mật đời tư và các hành vi vi phạm khác nhằm gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại về tài sản của người thi hành công vụ
    Trong khi “dùng thủ đoạn khác” và “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” người thi hành công vụ đều là các hành vi chống người thi hành công vụ đứng độc lập với nhau trong quy định tại Khoản 2 Điều 3 dự thảo. Do vậy khi giải thích về “dùng thủ đoạn khác” lại tiếp tục nhắc lại hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Tức khẳng định “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” nằm trong nhóm “thủ đoạn khác”.
     
    Kiến nghị: bỏ đoạn “sử dụng lời nói, cử chỉ, hành động để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ”.
     
    4
    - Khoản 2 Điều 5 quy định về các hành vi nghiêm cấm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khác.
     
    Tính minh bạch, tính thống nhất.
    Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định “2. Đối với tổ chức, cá nhân khác:
     a) Coi thường pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối người thi hành công vụ hoặc cản trở người thi hành công vụ thực thi nhiệm vụ;
     b) Lợi dụng quyền tự do, dân chủ để lôi kéo, xúi dục, kích động người khác chống người thi hành công vụ;
     c) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ.
    d) Các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ”.
    1. Phân tích:
    - Tại điểm a thì hành vi “coi thường pháp luật” rất mơ hồ. Thực chất việc “coi thường pháp luật” chính là việc “chống người thi hành công vụ”.
    - Tại Khoản 2 Điều 3 dự thảo đã quy định hành vi cản trở người thi hành công vụ, không chấp hành yêu cầu, hiệu lệnh của người thi hành công vụ và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ chính là “chống người thi hành công vụ”.
    Do vậy Điểm a đã sử dụng cụm từ “chống đối người thi hành công vụ” (theo người viết thì “chống đối” và “chống” là một) thì các quy định về không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; cản trở người thi hành công vụ hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ (quy định tại Điểm c) hay các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ (quy định tại điểm d) cần phải bỏ. Để lại chỉ dài dòng, phức tạp, khó hiểu.
     
    2. Kiến nghị:
    Khoản 2 Điều 5 chỉ nên quy định hai nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan tổ chức khác là: chống người thi hành công vụ và lôi kéo, xúi dục, kích động người khác chống người thi hành công vụ. Khi đó Khoản 2 Điều 5 nên quy định lại là: “2. Đối với tổ chức, cá nhân khác:
    a.      Chống người thi hành công vụ
    b.      Lôi kéo, xúi dục, kích động người khác chống người thi hành công vụ”
     
    5
    - Điều 18 Dự thảo quy định về Xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ
    - Khoản 3 Điều 8, Điều 15, Điều 143 BLHS
    - Điều 22 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
     
     
    Tính thống nhất, tính hợp lý, tính minh bạch, tính khả thi.
    Trích dẫn: “Điều 18 Xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ
    1. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
    2. Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ”.
     
    Phân tích:
    1. Về tính minh bạch và tính khả thi: Khi có hành vi chống người thi hành công vụ thì buộc người thi hành công vụ sẽ phải đưa ra quyết định tức thời, giống như trọng tài trong môn bong đá vậy. Do vậy việc điều luật sử dụng các khái niệm “hậu quả nghiêm trọng” và “tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là khó hiểu, khó vận dụng trong thực tế;  bản thân những người thi hành công vụ không phải ai cũng là cử nhân Luật để có thể hiểu được các khái niệm này chứ chưa nói đến việc xác định và đưa ra quyết định khẩn cấp trong trường hợp như vậy. Thậm chí quy định của pháp luật hiện nay đối với các thuật ngữ này còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
    Đối với việc xác định “hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản” hiện nay không có quy định chung cho tất cả các trường hợp; việc áp dụng pháp luật đôi khi phải áp dụng pháp luật tương tự. Nhưng đối với trường hợp này hiện nay tồn tại đến 02 quy định song song.
    - Theo Nghi quyết02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phần hướng dẫn Điều 202 BLHS về tội “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì “thiệt hại nghiêm trọng” (được hiểu như là “gây hậu quả nghiêm trọng”) nghĩa là “a. Làm chết một người; b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
    - Tuy nhiên theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì “gây hậu quả nghiêm trọng” là một trong các trường hợp sau đây: “a) Làm chết một người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a  và b  trên đây;  đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng”.
    Có thể thấy nội dung 02 quy định trên có một số điểm không thống nhất, vậy áp dụng Nghi định sẽ phải chọn một trong hai văn bản để áp dụng tương tự. Khi đó các Bộ lại sẽ phải ban hành thêm thông tư để hướng dẫn về vấn đề này. Vô tình Nghị định đã làm rối thêm vấn đề rồi sau đó lại mất công hướng dẫn bằng thông tư. Ngoài ra việc xác định hậu quả nghiêm trọng là người chết thì dễ chứ xác định căn cứ trên hậu quả đối với sức khỏe và tài sản thì theo thủ tục tố tụng hình sự đều phải dùng đến cơ quan giám định. Một việc khó như vậy đâu có thể để cho người thi hành công vụ tự nhận định và quyết định được?
    - Đối với khái niệm “tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”  hiện được quy định tại Khoản 3 Điều 8 BLHS, thể hiện tính chất của tội phạm. Trong đó tội phạm ít nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù, tội phạm nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là trên 15 năm năm tù, chung thân hoặc tử hình. Việc phải đưa ra nhận định trước khi hành vi đó gây hậu quả là rất khó, vì có khi cùng một tội danh nhưng mức độ khác nhau thì hành vi đó lại thuộc các khoản khác nhau dẫn đến tính chất tội phạm cũng khác nhau, thậm chí đôi khi còn phụ thuộc cả vào nhân thân người vi phạm nữa – cũng hành vi đó nhưng nếu người có tiền án thì nó là nghiêm trọng, ngược lại thì là ít nghiêm trọng; bên cạnh đó nhiều trường hợp còn phải giám định mới có thể xác định được tội phạm thuộc khung nào trong tội danh đó để từ đó đánh giá tính chất của tội phạm. Như vậy để có thể tự tin nổ súng mỗi người thi hành công vụ phải là một chuyên gia pháp luật hình sự kiêm luôn nhân viên giám định.
     
    2. Tính thống nhất
    Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh về vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ “Các trường hợp nổ súng gồm:
    a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
    b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
    c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
    d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
    d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
    e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
    Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
    Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
    Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
    g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.”
    Theo quy định trên có thể xác định được các trường hợp nổ súng mà có liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ được quy định tại điểm a “Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác” và điểm c “Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ” và ý hai của điểm d “người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chống lại”. Ba quy định này rất dễ hiểu và dễ xác định được các trường hợp được nổ súng. Mặc dù vẫn có thể có người đặt câu hỏi “thế nào là đe dọa tính mạng?” tuy nhiên trong một tình huống cụ thể thì gần như tất cả những người dân bình thường đều có thể đưa ra được nhận định của mình về việc hành vi đó đã đe dọa đến tính mạng người khác hay chưa? VD: đối tượng vi phạm dung gậy sắt đuổi đánh người thi hành công vụ thì có thể có người cho là nó chưa đe dọa đến tính mạng, mới chỉ đe dọa đến sức khỏe thôi; lại cũng có người cho rằng hành vi đó cùng với thái độ của người vi phạm thì được coi là đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ. Hay nói cách khác quy định trên là dễ hiểu, dễ vận dụng; chỉ có cách nhận định của mỗi người khác nhau thôi. Còn hành vi cướp súng của người thi hành công vụ thì quá rõ ràng, có lẽ không cần bình thêm. Hai hành vi trên tựu trung lại thì đều là trường hợp hành vi vi phạm đang đe dọa đến tính mạng người khác, tức đe dọa đến cái quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống. Cho nên pháp lệnh mới quy định cho phép được nổ súng. Còn trường hợp thứ 3 “người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chống lại”  cũng là trường hợp mà các tội tượng mặc dù phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (có hình phạt từ 15 năm tù trở lên đến chung thân, tử hình) đang bị dẫn giải nhưng vẫn thể hiện bản chất lưu mang, hung hãn khi chống lại người thi hành công vụ, các đối tượng này nếu thoát ra ngoài sẽ gây nguy hiểm rất nhiều cho xã hội và rất khó để cải tạo cho nên việc nổ súng vào nhóm đối tượng này là cần thiết. (Bản thân các cán bộ dẫn giải đối tượng vi phạm trong trường hợp này cũng đã xác định được người vi phạm có phải là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay không? Nên việc đưa ra quyết định nổ súng rất dễ dàng.)
    Tuy nhiên dự thảo nghị định lại quy định ngay cả khi đe dọa đến sức khỏe hoặc tài sản của người thi hành công vụ hoặc người khác thì người thi hành công vụ đều có quyền nổ súng. Tức là dự thảo đã mở rộng thêm quyền được nổ súng chứ không phải cụ thể hóa Pháp lệnh. Ví dụ: một người đang có hành vi chống người thi hành công vụ bằng việc phóng hỏa đốt chiếc xe mô tô của Công an giao thông, khi đó nếu chiếc xe của lực lượng Công an có giá trị từ 50 – dưới 200 triệu đồng thì hành vi của người vi phạm có dấu hiệu phạm vào Khoản 2 Điều 143 BLHS tội “hủy hoại tài sản” có hình phạt từ 2 – 7 năm tù - tức tội phạm nghiêm trọng. Lúc này theo quy định của Khoản 3 Điều 22 pháp lệnh cũng như Điều 15 BLHS thì cảnh sát giao thông không được phép nổ súng vào người vi phạm mà phải dùng các biện pháp ngăn chặn khác, thậm chí nếu không còn biện pháp nào thì cũng đành để người vi phạm đốt chiếc xe và xử lý sau chứ không được bắn thẳng vào họ. Tuy nhiên theo Khoản 2 Điều 18 dự thảo thì trường hợp này Công an giao thông được phép nổ súng trực tiếp vào người vi phạm (tức có thể giết chết anh ta).
    Mặc dù tinh thần của Nghị định dự thảo là quy định cụ thể, chị tiết hơn quy định tại pháp lệnh, nhưng thực chất là bổ sung thêm quy định mới.
    3. Tính hợp lý: Quyền được sống của con người là quyền thiêng liên và quan trọng nhất trong các quyền. Do vậy việc tước đoạt sinh mạng của người khác phải được quy định một cách chặt chẽ và thấu đáo. Chỉ khi cá nhân đó xâm phạm hoặc có ý định hoặc nguy cơ xâm phạm đến quyền được sống của người khác hoặc khí họ trở thành đối tượng nguy hiểm cho xã hội, khó cải tạo thì mới được quyền tước bỏ tính mạng của họ. Đó cũng chính là lý do vì sao mà pháp lệnh đã quy định về 03 trường hợp được nổ súng liên quan đến chống người thi hành công vụ mà tôi đã liệt kê ở trên.
    Kiến nghị: Nên bỏ quy định cho phép người thi hành công vụ được nổ súng tr��c tiếp vào người chống người thi hành công vụ như trong dự thảo. Thay vào đó nên quy định việc nổ súng trực tiếp vào người thi hành công vụ thực hiện theo theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
     
     
     

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    danusa (18/03/2013) SAdmin (18/03/2013) bluesea117 (22/10/2013) anhthanhnb (18/03/2013)