Theo Thông tư 38/2010/TT-BTC, người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phải được thông báo bằng văn bản đến Công an cấp xã nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung nếu thuộc các trường hợp sau:
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa mà theo quy định của pháp luật, ngoài hình thức phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép điều khiển phương tiện.
- Người có hành vi vi phạm điều khiển phương tiện không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Căn cứ vào tình hình và yêu cầu cụ thể của công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định thông báo vi phạm đối với các trường hợp vi phạm khác.
Tuy nhiên, theo điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ 01/7/2013 chỉ cho phép Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính về:
- An toàn thực phẩm.
- Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Dược.
- Khám bệnh, chữa bệnh.
- Lao động; xây dựng.
- Bảo hiểm xã hội.
- Bảo hiểm y tế.
- Bảo vệ môi trường.
- Thuế.
- Chứng khoán.
- Sở hữu trí tuệ.
- Đo lường.
- Sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Đồng thời, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng không có bất kỳ quy định nào cho phép được quyền công bố công khai việc xử phạt người vi phạm giao trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, từ 01/7/2013 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã chính thức khai tử quy định “đưa tên người vi phạm giao thông lên các phương tiên thông tin đại chúng” tại Thông tư 38.