Đất hộ gia đình là đất thuộc quyền sử dụng của những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp bố mẹ mượn nợ của chủ nợ nhưng không có điều kiện để chi trả, thanh toán khoản nợ này. Khi đó, chủ nợ đã tiến hành khởi kiện Tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì có phải đem đi thi hành án không.
Căn cứ cưỡng chế thi hành án, thi hành bản án
Theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định căn cứ để thi hành án bao gồm:
- Bản án, quyết định;
- Quyết định thi hành án;
- Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 có đề cập kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án. Khi đó tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức bán đấu giá hoặc bán không thông qua hình thức đấu giá.
Theo những quy định này thì khi có bản án đã có hiệu lực của Tòa án buộc cha, mẹ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ theo bản án thì cơ quan thi hành án có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án kê biên, xử lý tài sản của cha, mẹ anh và tài sản này có thể kê biên để bán đấu giá.
Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có đề cập việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:
- Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
- Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
- Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
Như vậy, trường hợp này chấp hành viên sẽ xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản và thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Nếu các thành viên gia đình anh (hộ gia đình) không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo hợp lệ. Hết thời hạn mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các thành viên trong hộ gia đình.