Tranh chấp lối đi chung là vấn đề xảy ra khá phổ biến hiện nay giữa các hộ gia đình. Hòa giải cơ sở hoặc khởi kiện là hai hướng giải quyết phổ biến của vấn đề này.
Hướng giải quyết cho các trường hợp tranh chấp lối đi chung thường được giải quyết như sau:
1. Hòa giải cơ sở tại UBND phường/xã nơi có đất
Khi các bên xảy ra tranh chấp lối đi chung, một trong hai bên có thể viết đơn yêu cầu hòa giải tại UBND phường/xã nơi có đất (quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP). Việc hòa giải này sẽ được chủ trì, xác nhận đóng dấu bởi cơ quan có thẩm quyền và được lập thành biên bản. Kết quả hòa giải có thể thành hoặc không thành.
2. Khởi kiện tại Tòa án
Khi các bên của vụ tranh chấp không đồng ý với kết quả hòa giải, có thể khởi kiện tại Tòa án. Tòa sẽ xét xử vụ án thông qua việc xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng lối đi chung.
Việc chứng minh nguồn gốc đất của lối đi chung thông qua ghi nhận trong GCNQSDĐ hoặc được thể hiện trên bản đồ địa chính của UBND phường/xã nơi có đất và quá trình sử dụng lối đi chung giữa các hộ gia đình sẽ xác định các đối tượng sử dụng lối đi chung.
Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên, nếu lối đi chung là lối đi duy nhất của nguyên đơn hoặc bị đơn thì họ có thể thỏa thuận yêu cầu chủ sở hữu phần đất có lối đi chung mở lối đi sao cho thuận tiện, hợp lý nhất, có tính toán đến lợi ích và địa điểm của các bất động sản liền kế khác (quy định tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật dân sự 2015).
Để đảm bảo quyền lợi – lợi ích của các bên, vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi chung sẽ do Tòa án xác định khi hai bên khởi kiện ra Tòa.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Cập nhật bởi pigreen ngày 12/02/2020 11:46:33 SA