Hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong kiện tụng

Chủ đề   RSS   
  • #421847 18/04/2016

    nguyenanh1292
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/04/2014
    Tổng số bài viết (3079)
    Số điểm: 68071
    Cảm ơn: 576
    Được cảm ơn 4262 lần


    Hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong kiện tụng

    Trợ giúp pháp lý trong các vụ án hành chính, dân sự, hình sự đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình tố tụng. Hiện nay, việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình tố tụng vẫn đang áp dụng theo Thông tư liên tịch 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC nhưng sắp tới khi lần lượt các Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật tố tụng hành chính có hiệu lực thì Thông tư liên tịch này dường như không còn phù hợp nữa.

    Hướng dẫn trợ giúp pháp lý trong kiện tụng

    Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao vừa soạn thảo xong Thông tư liên tịch mới hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng dự kiến sẽ thay thế Thông tư liên tịch 11/2013 nêu trên.

    Theo đó, Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc đăng ký tham gia tố tụng và từ chối, hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng như sau:

    1. Đăng ký tham gia tố tụng

    * Trong hình sự

    - Đối với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên:

    Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xuất trình văn bản cử người tham gia tố tụng của Trung tâm, Chi nhánh và Thẻ Trợ giúp viên pháp lý đối với người được cử là Trợ giúp viên pháp lý kèm theo bản sao có chứng thực hoặc Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực đối với người được cử là Luật sư cộng tác viên, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đăng ký bào chữa và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án.

    Đối với trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên xuất trình Thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người tham gia tố tụng của Trung tâm, Chi nhánh.

    Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    - Khi đăng ký tham gia tố tụng, luật sư phải xuất trình các giấy tờ sau: văn bản cử luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nơi luật sư đó hành nghề và Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

    Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký tham gia tố tụng quy định tại Điều 12 Thông tư này thì vào sổ đăng ký tham gia tố tụng, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký tham gia tố tụng, và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

    * Trong dân sự, hành chính

    - Đối với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư công tác viên đề nghị đăng ký tham gia tố tụng phải xuất trình văn bản cử người tham gia tố tụng của Trung tâm, Chi nhánh và Thẻ Trợ giúp viên pháp lý đối với người được cử là Trợ giúp viên pháp lý kèm theo bản sao có chứng thực hoặc Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực đối với người được cử là Luật sư cộng tác viên.

    - Đối với luật sư của tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý khi đề nghị đăng ký tham gia tố tụng phải xuất trình văn bản cử luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nơi luật sư đó hành nghề và Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

    Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, Tòa án phải vào sổ đăng ký tham gia tố tụng và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.

    Người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia trợ giúp pháp lý được đăng ký tham gia tố tụng với tư cách:

    - Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại hoặc đương sự trong vụ án hình sự theo Điều 72 và Điều 83 và 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điểm b khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý.

    - Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, theo quy định tại Điều 75 và Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

    - Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hành chính với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 60, Điều 61 Luật Tố tụng hành chính 2015.

    - Luật sư cộng tác viên, Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách: người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.

    Gửi văn bản thông báo việc đăng ký tham gia tố tụng

    Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong vòng 24 giờ phải gửi ngay văn bản thông báo đăng ký tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức trực tiếp, fax hoặc gửi theo hình thức chuyển phát nhanh.

    2. Hiệu lực của việc đăng ký tham gia tố tụng

    - Trong hình sự: người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng từ giai đoạn nào thì đăng ký tham gia tố tụng ở giai đoạn đó và văn bản thông báo người đăng ký tham gia tố tụng có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng trừ các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

    Trong trường hợp phục hồi điều tra vụ án, tách, nhập vụ án thì người thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án cần điều tra lại thì phải đăng ký tham gia tố tụng theo thủ tục quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này.

    - Trong dân sự, hành chính: việc đăng ký tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Tòa án đang thụ lý vụ việc dân sự hoặc vụ án hành chính thực hiện và văn bản đăng ký tham gia tố tụng có hiệu lực từ khi cấp đến khi kết thúc vụ án.

    Trường hợp tách, nhập vụ án thì người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án xét xử lại thì phải đăng ký lại việc tham gia tố tụng theo thủ tục quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này.

    - Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý bị thay thế theo quy định pháp luật tố tụng và pháp luật trợ giúp pháp lý thì việc đăng ký tham gia tố tụng cho người thay thế được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này.

    3. Thu hồi văn bản thông báo đăng ký tham gia tố tụng

    - Các trường hợp thu hồi văn bản thông báo đăng ký tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý:

    + Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý.

    + Vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại điểm d và điểm e khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; bị thay đổi, không được tham gia tố tụng theo quy định pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

    + Bị miễn nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 07/2007/NĐ-CP.

    + Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

    + Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đề nghị thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý.

    - Các trường hợp thu hồi văn bản thông báo đăng ký tham gia tố tụng của Luật sư cộng tác viên, Luật sư:

    + Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006 tại khoản 3 Điều 1 Luật Luật Luật sư sửa đổi 2012.

    + Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật Luật Luật sư sửa đổi 2012.

    + Vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại điểm d và điểm e khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; bị thay đổi, không được tham gia tố tụng theo quy định pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

    + Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

    + Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đề nghị thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý.

    + Luật sư bị thu hồi văn bản đăng ký tham gia tố tụng khi tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý.

    - Nếu cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ở giai đoạn sau phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được đăng ký tham gia tố tụng ở giai đoạn trước đó không đủ điều kiện tham gia tố tụng thì hủy bỏ văn bản thông báo đăng ký tham gia tố tụng và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã đăng ký tham gia tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý.

    Việc bảo lưu kết quả tham gia tố tụng trong vụ án hình sự của người bị hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định; đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì do người được trợ giúp pháp lý quyết định và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

    - Khi Trợ giúp viên pháp lý bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên bị thu hồi thẻ Luật sư hoặc thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Luật sư bị thu hồi thẻ Luật sư hay bị thay thế theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý, trường hợp chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra biết để hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng.

    - Khi người thực hiện trợ giúp pháp lý bị hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng hoặc bị thay thế thì chấm dứt hoạt động tham gia tố tụng từ thời điểm bị hủy bỏ việc đăng ký tham gia tố tụng hoặc bị thay thế.

    Xem chi tiết tại Dự thảo Thông tư liên tịch mới hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại file đính kèm.

     
    5950 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận