Hướng dẫn chi tiết đăng ký biện pháp bảo đảm

Chủ đề   RSS   
  • #475414 21/11/2017

    nguyenanh1292
    Top 25
    Female
    Dân Luật bậc 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/04/2014
    Tổng số bài viết (3079)
    Số điểm: 68071
    Cảm ơn: 576
    Được cảm ơn 4260 lần


    Hướng dẫn chi tiết đăng ký biện pháp bảo đảm

    Nhằm cụ thể hóa Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm đã có hiệu lực từ ngày 15/10/2017, Bộ Tư pháp vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số vấn đề đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

    Tại Dự thảo này quy định một số điểm mới nổi bật:

    Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm gồm:

    - Thế chấp động sản, bao gồm cả thế chấp động sản hình thành trong tương lai, trừ tàu bay, tàu biển;

    - Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản, trừ tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu;

    - Thay đổi, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký biện pháp bảo đảm đã đăng ký nêu trên.

    - Văn bản thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký.

    Các hợp đồng được đăng ký bao gồm:

    - Hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc Hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới 01 năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ 01 năm trở lên;

    - Hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;

    - Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, bao gồm quyền đòi nợ hiện có hoặc quyền đòi nợ hình thành trong tương lai.

    - Các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật.

    Lưu ý: Trừ hợp đồng thuê mua tàu bay dân dụng theo quy định của pháp luật về hàng không, hợp đồng thuê mua tàu biển nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam theo quy định của pháp luật về đăng ký và mua bán tàu biển, hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

    Các tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng bao gồm:

    - Ô tô, xe máy, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác; các phương tiện giao thông đường sắt;

    - Tàu cá; các phương tiện giao thông đường thủy nội địa;

    - Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hoá khác, kim khí quý, đá quý;

    - Tiền Việt Nam, ngoại tệ;

    - Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch; các khoản phải thu hợp pháp của cá nhân, pháp nhân;

    - Phương án 1: Các quyền tài sản theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ quyền sử dụng đất, gồm:

    + Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, dự án; quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền đòi nợ; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; quyền được bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng;

    + Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê đóng tàu biển; Quyền bồi hoàn, quyền bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mua bán tàu bay, tàu biển; quyền thụ hưởng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đối với tàu bay, tàu biển;

    + Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh nhà ở, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua nhà ở (bao gồm cả nhà ở xã hội) giữa tổ chức, cá nhân với nhau hoặc giữa tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua công trình xây dựng giữa tổ chức, cá nhân với nhau hoặc giữa tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

    + Quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật

    Phương án 2: Các quyền tài sản theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ quyền sử dụng đất;

    - Lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm hoặc các lợi ích khác thu được từ tài sản bảo đảm nêu tại Điều này; lợi tức thu được từ việc khai thác tàu bay, tàu biển; lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình;

    - Các động sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Dân sự 2015;

    - Các tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không thuộc thẩm quyền đăng ký của Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày gồm: Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính.

    Hướng dẫn đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng

    Bước 1: Kê khai thông tin trên Phiếu yêu cầu đăng ký và trên giao diện đăng ký trực tuyến

    - Thông tin về bên bảo đảm, bên mua tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ (sau đây gọi là bên bảo đảm) được kê khai như sau:

    + Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân theo đúng nội dung ghi trên CMND hoặc thẻ Căn cước công dân;

    + Đối với cá nhân là người nước ngoài thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số Hộ chiếu theo đúng nội dung ghi trên Hộ chiếu;

    + Đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số Thẻ thường trú theo đúng nội dung ghi trên Thẻ thường trú;

    + Đối với Doanh nghiệp tư nhân thì kê khai đầy đủ tên của cá nhân là chủ doanh nghiệp, số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân của chủ DN và kê khai tên, mã số thuế của DNTN đó (giống như việc kê khai đối với hai bên bảo đảm).

    + Đối với hộ gia đình thì kê khai đầy đủ họ và tên và số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân của các thành viên hộ gia đình hoặc người đại diện cho hộ gia đình;

    + Đối với hộ kinh doanh cá thể chỉ có một cá nhân kinh doanh thì kê khai họ và tên, số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân của cá nhân đó.

    Trường hợp hộ kinh doanh cá thể gồm nhiều cá nhân góp vốn kinh doanh thì kê khai thông tin về tên, mã số thuế của hộ kinh doanh cá thể đó hoặc kê khai họ và tên, số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật của hộ kinh doanh cá thể đó hoặc kê khai họ và tên, số CMND hoặc số thẻ Căn cước công dân của các thành viên hộ kinh doanh cá thể đó.

    + Đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh thì phải kê khai tên và mã số thuế do cơ quan thuế cấp; trường hợp pháp nhân không có đăng ký kinh doanh thì kê khai tên của pháp nhân đó.

    + Đối với Chi nhánh pháp nhân thì kê khai đầy đủ tên, mã số thuế của Chi nhánh pháp nhân và họ và tên, số CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật của chi nhánh pháp nhân được pháp nhân ủy quyền hợp pháp;

    + Đối với pháp nhân được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài thì kê khai tên và mã số thuế đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền. Trong trường hợp tên được đăng ký của tổ chức không viết bằng chữ Latinh thì kê khai tên giao dịch bằng tiếng Anh;

    + Đối với Chi nhánh pháp nhân thì kê khai đầy đủ tên, mã số thuế của Chi nhánh pháp nhân và họ và tên, số CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật của chi nhánh pháp nhân được pháp nhân ủy quyền hợp pháp;

    + Đối với tổ chức khác thì kê khai tên của tổ chức đó.

    - Thông tin về bên nhận bảo đảm, bên bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ (sau đây gọi là bên nhận bảo đảm) được kê khai như sau:

    + Tên của bên nhận bảo đảm;

    + Địa chỉ của bên nhận bảo đảm.

    - Thông tin về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm là cá nhân, pháp nhân Việt Nam và tài sản bảo đảm phải kê khai bằng Tiếng Việt có dấu.

    - Người yêu cầu đăng ký chỉ kê khai 01 số hợp đồng và 01 thời điểm ký kết hợp đồng tại mục “Số hợp đồng” trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trên giao diện đăng ký trực tuyến.

    - Trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt (sau đây gọi là phương tiện giao thông cơ giới) và tài sản này không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc không phải là tài sản hình thành trong tương lai thì người yêu cầu đăng ký kê khai chính xác số khung của phương tiện giao thông cơ giới đó theo Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (gọi chung là Giấy đăng ký phương tiện) trên giao diện đăng ký trực tuyến hoặc trên phiếu yêu cầu đăng ký. Mỗi một số khung (số, chữ) của phương tiện giao thông cơ giới được người thực hiện đăng ký, người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên kê khai tương ứng với một ô số thứ tự trên phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “số khung” trên giao diện yêu cầu đăng ký trực tuyến.

    Lưu ý: Mô tả tài sản bảo đảm

    - Việc mô tả về tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới được thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

    + Trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới và tài sản này chưa được đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản thì người yêu cầu đăng ký mô tả số khung của phương tiện giao thông cơ giới theo phiếu xuất xưởng phương tiện hoặc tờ khai hải quan trong trường hợp nhập khẩu phương tiện.

    + Trường hợp số khung của phương tiện giao thông cơ giới có ký tự đặc biệt (ví dụ: dấu *; #...) thì người yêu cầu đăng ký ngoài việc kê khai số khung trên phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “số khung” trên giao diện yêu cầu đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn nêu trên còn phải mô tả đầy đủ số khung (số, chữ và ký tự đặc biệt) tại mục “Mô tả tài sản” trên phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “Mô tả” trên giao diện đăng ký trực tuyến.

    Thông tin kê khai tại trường “Mô tả” phải thống nhất với thông tin kê khai tại trường “số khung”, “số máy”, “biển số” trên giao diện yêu cầu đăng ký trực tuyến. Trường hợp đăng ký trực tuyến có thêm yêu cầu gửi văn bản thông báo thế chấp đến cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản thì người yêu cầu đăng ký phải kê khai số máy và biển số của phương tiện giao thông cơ giới tại trường “số máy”, “biển số” trên giao diện đăng ký trực tuyến.

    - Trường hợp tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho, quyền tài sản thì người yêu cầu đăng ký có thể mô tả tài sản như sau:

    + Tên hàng hóa, chủng loại, số lượng, địa chỉ cụ thể của kho hàng hoặc các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa đó trong trường hợp tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc hàng tồn kho.

    + Trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới và tài sản này là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản hình thành trong tương lai thì người yêu cầu đăng ký không phải mô tả số khung của phương tiện giao thông trên giao diện đăng ký trực tuyến, nhưng tại mục “Mô tả tài sản” trên phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “Mô tả” trên giao diện đăng ký trực tuyến phải mô tả tài sản bảo đảm “là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh” hoặc “ là tài sản hình thành trong tương lai”.

    + Tên cụ thể của quyền tài sản, căn cứ pháp lý phát sinh quyền, giá trị thành tiền của quyền tài sản (nếu có) hoặc các thông tin khác có liên quan đến quyền tài sản đó trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản.

    - Trường hợp tài sản bảo đảm là công trình phụ trợ và tài sản này không được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận thì tại mục “Mô tả tài sản” trên phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “Mô tả” trên giao diện đăng ký trực tuyến, người yêu cầu đăng ký mô tả tài sản bảo đảm là công trình phụ trợ (ví dụ “Tài sản bảo đảm là công trình phụ trợ gồm nhà làm việc, nhà để xe, nhà bảo vệ…”).

    - Trường hợp xử lý một phần tài sản bảo đảm thì tại mục mô tả tài sản của phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm hoặc trên giao diện yêu cầu đăng ký trực tuyến, người yêu cầu đăng ký chỉ kê khai tài sản cần xử lý đã được đăng ký tại Phiếu yêu cầu đăng ký gần nhất trước đó. Trường hợp xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm thì người yêu cầu đăng ký chỉ cần kê khai chính xác số đăng ký của yêu cầu đăng ký đó.

    - Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký thì tại các mục 3.2, 3.4 trên Phiếu yêu cầu đăng ký hoặc trường “Mô tả” trên giao diện đăng ký trực tuyến, người yêu cầu đăng ký phải kê khai cụ thể nội dung thay đổi. Trường hợp thực hiện đăng ký thay đổi các nội dung không phải là tài sản bảo đảm thì phải nhập nội dung “Không thay đổi tài sản bảo đảm” tại trường “Mô tả” trên giao diện đăng ký trực tuyến.

    (Ví dụ: Rút bớt tài sản bảo đảm: 1. Xe ô tô, nhãn hiệu…, số khung…, số máy…, biển số …)

    Bước 2: Ký phiếu yêu cầu đăng ký

    - Phiếu yêu cầu đăng ký phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của pháp nhân, cá nhân là các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng hoặc người được pháp nhân, cá nhân đó uỷ quyền.

    - Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng hoặc người được một trong các bên này uỷ quyền trong các trường hợp sau đây:

    + Trong trường hợp một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm, hợp đồng không ký vào phiếu yêu cầu đăng ký thì người yêu cầu đăng ký gửi kèm bản chính hợp đồng bảo đảm, hợp đồng hoặc giấy tờ chứng minh căn cứ của việc đăng ký kèm theo phiếu yêu cầu đăng ký để Trung tâm sao lưu, đối chiếu (01 bản);

    + Trong trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi về bên nhận bảo đảm hoặc rút bớt tài sản bảo đảm, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm thì phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền yêu cầu đăng ký;

    + Trong trường hợp bên nhận bảo đảm không ký vào phiếu yêu cầu xóa đăng ký thì phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên bảo đảm và người yêu cầu đăng ký nộp kèm theo bản chính hoặc bản sao (có chứng thực) văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc văn bản thông báo giải chấp của bên nhận bảo đảm cùng với phiếu yêu cầu xóa đăng ký.

    10 biểu mẫu dùng trong đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng:

    - Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng;

    - Phiếu yêu cầu thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký;

    - Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm;

    - Phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót;

    - Phiếu yêu cầu xóa đăng ký;

    - Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên thi hành án;

    - Văn bản thông báo việc kê biên tài sản thi hành án;

    - Văn bản chứng nhận nội dung đăng ký;

    - Văn bản tiếp nhận, giải quyết Thông báo kê biên/giải tỏa kê biên tài sản thi hành án;

    - Văn bản cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, thông tin về tài sản kê biên để thi hành án;

    Mời các bạn xem chi tiết tài liệu Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số vấn đề đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp tại file đính kèm. (bao gồm Tờ trình Dự thảo, Dự thảo và Biểu mẫu đính kèm)

     
    8139 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenanh1292 vì bài viết hữu ích
    willlison1012 (21/11/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận