Hướng dẫn cách kiểm tra và thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

Chủ đề   RSS   
  • #612504 07/06/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1702 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Hướng dẫn cách kiểm tra và thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

    Nơi khám, chữa bệnh ban đầu là gì? Có thể kiểm tra nơi mình đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thế nào? Có thay đổi được hay không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    Nơi khám, chữa bệnh ban đầu là gì?

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 thì cơ sở KCB (khám, chữa bệnh) BHYT ban đầu là cơ sở KCB đầu tiên theo đăng ký của người tham gia BHYT và được ghi trong thẻ BHYT. 

    Việc quy định có nơi đăng ký KCB ban đầu cho người tham gia BHYT nhằm quản lý người bệnh BHYT tốt hơn.

    05 cách kiểm tra nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

    1) Xem thông tin Nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (ĐKKCB BD) trên thẻ BHYT;

    2) Tra cứu trực tuyến qua cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam;

    Cổng TTĐT: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/#/index

    3) Đối với người tham gia có sử dụng Ứng dụng VssID BHXH Số có thể tra cứu online qua ứng dụng này;

    4) Tra cứu Nơi ĐKKCB BD bằng cách gửi tin nhắn đến số 8079;

    5) Gọi điện thoại trực tiếp đến số Tổng đài hỗ trợ 1900 90 68 của BHXH Việt Nam;

    Như vậy, hiện nay đã có tới 5 cách để người tham gia bảo hiểm y tế có thể tra cứu được các thông tin BHYT của mình một cách dễ dàng và thuận tiện. 

    Có thể thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu không?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008 có quy định rõ Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

    Theo đó, người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

    Đồng thời tại Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định như sau:

    Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện.

    Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

    Tóm lại, vào đầu mỗi quý, người lao động có thể thay đổi địa điểm khám chữa bệnh ban đầu từ bệnh viện trung ương sang các bệnh viện tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng phục vụ của cơ sở y tế.

    Có mấy cách thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu?

    Theo đó, vào tháng đầu mỗi quý bà có thể nộp hồ sơ thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) cho cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ bằng một trong các hình thức sau:

    - Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH;

    - Thông qua dịch vụ bưu chính;

    - Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam hoặc thông qua Tổ chức I-VAN.

    Xem và tải mẫu tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội (Mẫu TK1-TS):

    Hướng dẫn cách thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu online mới nhất?

    Bước 01: Truy cập địa chỉ dichvucong.gov.vn.

    Bước 02: Tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công:

    Hiện nay có 3 cách để tiếp cận thủ tục hành chính, dịch vụ công, đó là:

    - Tìm kiếm theo từ khóa ở trang chủ, trang công dân, trang doanh nghiệp;

    - Chọn thủ tục hành chính từ sự kiện của công dân, doanh nghiệp;

    - Chọn từ danh sách dịch vụ công trực tuyến.

    Bước 03: Chọn cơ quan thực hiện

    Căn cứ vào “Cơ quan thực hiện” trong thông tin thủ tục hành chính, bạn chọn cơ quan thực hiện tương ứng của thủ tục cần thực hiện; ví dụ trong trường hợp này là cơ quan Bảo hiểm xã hội.

    Bước 04: Đăng ký, đăng nhập tài khoản công dân, doanh nghiệp

    Có thể đăng ký tài khoản bằng: Sim ký số; USB ký số; Thuê bao di động (Dành cho Công dân); Mã số BHXH (Dành cho Công dân).

    Sau khi đăng ký tài khoản, bạn đăng nhập bằng 1 trong các cách sau: Sim ký số; USB ký số; CMT/CCCD.

    Bước 05: Nộp hồ sơ, tra cứu, theo dõi tình trạng hồ sơ

    Sau khi bạn đăng nhập thành công, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ điều hướng về Cổng của Bộ/Ngành/Địa phương nơi mà bạn đăng ký thực hiện thủ tục để nộp hồ sơ. Bạn tra cứu tình trạng hồ sơ theo mã số hồ sơ được cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; để theo dõi chi tiết tiến trình xử lý, quản lý dữ liệu đầu vào, đầu ra của hồ sơ thì bạn thực hiện đăng nhập để xem chi tiết.

    Hồ sơ đăng ký thay đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu gồm những gì?

    Căn cứ theo khoản 4 Điều 27 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (trong đó tiết b điểm 4.1 khoản 4 Điều này bị bãi bỏ bởi khoản 16 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2023) quy định như sau:

    - Thành phần hồ sơ:

    + Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

    + Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.

    - Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

    Theo đó hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu gồm:

    + Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (đối với người tham gia bảo hiểm y tế);

    + Bảng kê thông tin (đối với đơn vị).

    Ngoài ra, cần nộp thẻ bảo hiểm y tế cũ còn giá trị sử dụng.

    Trên đây là một số thông tin về nơi khám, chữa bệnh ban đầu và hướng dẫn về cách kiểm tra, thay đổi nơi đăng ký, mong rằng hữu ích đối với bạn đọc.

     
    16652 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (10/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận