Tôi ở trong thế giới sách vở từ rất nhiều năm nay, tiếp xúc với sách vở theo nhiều kiểu, có lẽ trong mọi hạng mục công việc liên quan đến sách vở: làm ra những quyển sách, bình luận những quyển sách, tìm kiếm những quyển sách, kiểm kê những quyển sách, thu thập thông tin về những quyển sách, không gì tôi chưa từng động chạm đến ở mức độ sâu. Tất nhiên tôi cũng là người quan sát báo chí văn hóa rất chặt chẽ. Hay dở đủ cả, nhưng phải nói là tôi từng thấy nhiều cái rất chối.
Phóng viên Tường Vy của tờ
Sài Gòn giải phóng là một ví dụ. Bao nhiêu năm nay, Tường Vy viết những bài báo rất kém chất lượng, chi tiết thường xuyên sai, nhưng lại từ chi tiết sai khái quát lên những vấn đề rất lớn mà có lẽ bản thân ông Tường Vy cũng chẳng nắm bắt được.
Bài báo ở đường link này là một ví dụ.
Trích bài báo:
“Cách đây không lâu, trên thị trường xuất hiện một cuốn sách dịch từ tiếng Trung Quốc. Nội dung cuốn sách khá đơn giản, một chàng trai trong một chuyến xe điện tình cờ bị tiếng sét ái tình với một cô gái xa lạ. Anh chụp lại hình cô gái và đưa lên một diễn đàn trực tuyến, các thành viên trong diễn đàn đã giúp anh tìm ra cô gái, tư vấn, chỉ vẽ để họ đến với nhau, an ủi, chia sẻ để họ làm lành những khi giận dữ, sách kết thúc với đám cưới của họ. Một cuốn sách có nội dung chấp nhận được trừ một điểm, cách thể hiện kỳ quái của câu chuyện! Ở đây chẳng có tác giả, NXB chỉ làm một việc duy nhất là chép tất cả các câu chat trong phần trao đổi trên mạng rồi đóng thành sách.”
Rất tiếc, đó là một tác phẩm của Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc, nhan đề chính xác là Anh chàng xe điện, ký tên “tác giả” Hitori Nakano, là một cuốn sách về thế giới “otaku” bên Nhật. Và không biết cuốn sách vớ vẩn đến đâu, nhưng ít nhất ở Việt Nam từng có một nhà nghiên cứu viết một bài phân tích nó, bài viết rất đặc sắc. Phóng viên Tường Vy có thể liên hệ với nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh để tìm hiểu thêm.
Thậm chí, có những lúc, cách thức viết bài của ông Tường Vy còn ở mức độ giống như sử dụng báo chí truyền thông để phao tin đồn nhảm. Ví dụ
bài này.
Trích bài báo:
“Tuy nhiên thực tế theo người phụ trách bản quyền một đơn vị làm sách lớn thì vấn đề nằm ở chỗ sách TQ, trừ những tác phẩm đặc biệt thì hầu như có giá bản quyền rất rẻ, một số tác phẩm gần như cho không. Chính vì thế, lợi nhuận làm sách TQ rất cao, dù bán kém cũng khó lỗ, kết quả nhiều đơn vị xuất bản đã đổ xô vào làm sách từ TQ.”
Phóng viên Tường Vy bài Tàu vì tình cảm riêng thì cứ việc, nhưng thông tin như thế là sai. Tôi nghĩ tòa soạn tờ Sài Gòn giải phóng nên tìm hiểu thêm về cách tác nghiệp của phóng viên, chẳng hạn như xem ông Tường Vy có thực sự biết giá tác quyền những quyển ngôn tình Trung Quốc mà các cơ sở xuất bản Việt Nam mua hay không, xem ông Tường Vy có biết, ví dụ, giá tác quyền bộ Lam Liên Hoa là bao nhiêu không. Tôi nghĩ những phóng viên như Tường Vy làm nhiễu loạn không ít môi trường thông tin ở mảng báo chí văn hóa tại Việt Nam.
Tung tin đồn nhảm chưa đủ, mảng văn hóa của các tờ báo nhiều khi còn dung dưỡng những lời vu vạ hướng vào một cá nhân nào đó. Dưới đây là ví dụ liên quan đến bản thân tôi.
(một điều rất không may cho cái nhân dạng đứng sau tên “Tùy Phong” là một người bạn rất thân của nhân dạng ấy một lần say rượu đã nói tên thật của Tùy Phong ra; bữa ấy nhiều người nghe thấy; chuyện này có thể ta sẽ nói sau, nhỉ)
Đây là lời vu vạ nhắm vào tôi:
“Tắt điện thoại, không trả lời email, bỏ hoang trang web cá nhân trước đây được cập nhật liên tục…”
Tại sao blog riêng của tôi, tôi thích cập nhật hay không cập nhật, mà báo chí tự cho mình cái quyền được nhận xét? Trước đó đã không ít lần tôi bỏ bẵng rất lâu, khi không có gì để viết, khi không muốn viết cơ mà. Tin rất buồn là tôi không bao giờ tắt điện thoại hết, và email nào tôi cũng trả lời cả. Sự thật là trong suốt quãng thời gian đó, không một phóng viên văn hóa nào gọi điện, nhắn tin hay gửi e-mail cho tôi, người duy nhất là Bùi Dũng.
(đây là câu chuyện về Bùi Dũng, tên thật Bùi Văn Dũng, còn có bút danh Danh Anh, trước đây làm cho Vietnamnet: tôi gặp Bùi Dũng tình cờ vì có quen biết trước, ngồi nói chuyện, rồi sau đó Bùi Dũng và tôi có trao đổi qua e-mail, sau đó Bùi Dũng đã ký bút danh viết một bài báo; bài báo này không có chút liên quan nào đến những nội dung đã trao đổi giữa hai bên; bài báo ấy đăng trên Thể thao & Văn hóa, dưới sự dàn dựng và chỉ đạo của một nhà báo văn hóa rất nổi tiếng là Thủy Phạm, tức Phạm Thị Thu Thủy, vợ của nhạc sĩ Dương Thụ; tôi thấy cũng quái đản, cả cặp chồng vợ này đều từng có lúc nhờ tôi việc này việc nọ, chưa lần nào tôi không hết sức giúp, thế mà Thủy Phạm đã qua mặt cả ban biên tập tờ báo đăng một bài cực kỳ tồi tệ, với rất nhiều chi tiết sai nhằm hạ thấp tôi bằng được; sau này bản thân báo Thể thao & Văn hóa đã gửi công văn xin lỗi chính thức có chữ ký và con dấu của Tổng biên tập; ai muốn xem công văn ấy có thể đến tờ Thể thao & Văn hóa; chuyện đã qua không nói lại nữa)
Còn tại sao các phóng viên văn hóa đã không liên hệ với tôi, như lẽ ra họ phải làm? Nguyên ủy có lẽ là vì trong quá khứ tôi vốn không mấy mặn mà với những lời mời phỏng vấn của họ; gần như tôi đã từ chối mọi cuộc phỏng vấn.
Đúng là như vậy nhỉ, Cát Khuê Lê Thị Thái Hòa.
Cùng khoảng thời gian ấy, tờ Tuổi trẻ đăng rất nhiều bài về chuyện dịch thuật. Đến đây tôi sẽ đi vào sự lố lớn nhất của báo chí văn hóa Việt Nam, đó là tại sao các tờ báo phổ thông lại tự cho phép mình lấn sâu vào địa hạt chuyên môn?
Trong loạt bài của Tuổi trẻ, tôi công nhận có bài của anh Nguyễn Việt Long rất chất lượng. Anh Nguyễn Việt Long từng là một đồng nghiệp rất khả kính của tôi. Nhưng đoạn dưới đây rút ra từ bài viết ký tên “Từ Phong” (lại một cái bút danh quen quen) thì tôi phản đối:
Tôi nghĩ Tuổi trẻ đang không hề biết mình làm gì. Tôi coi những dòng trên đây là luận điểm quan trọng nhất để chống lại tôi (và nhiều người khác nữa), và nếu nó đúng, chắc chắn tôi xin nhận mọi phê phán của các vị, từ giờ chỉ đi chơi cho sướng thân.
Thế nên, tôi yêu cầu Tuổi trẻ chứng minh luận điểm mà mình đưa ra. Tôi đòi hỏi báo Tuổi trẻ chứng minh lịch sử dịch thuật Việt Nam “rất đáng tự hào”, chứng minh mọi bản dịch mà mình nêu tên là những bản dịch cực tốt, không thể tìm được chỗ sai, chứng minh được bản dịch Trăm năm cô đơn tốt hơn các bản dịch của tôi (và nhiều người cùng thế hệ với tôi hoặc không cùng độ tuổi nhưng hiện đang làm công việc dịch thuật) về mọi mặt. Nếu không chứng minh được, Tuổi trẻ đã thể hiện mình là một tờ báo cực kỳ bỉ ổi.
(lẽ ra mọi việc phải ở chiều ngược lại, bởi tôi mới là (một trong số ít) người từng nghiên cứu lịch sử dịch thuật Việt Nam ở một số giai đoạn, trong đó có những phần quan trọng về chất lượng các bản dịch nổi tiếng trong lịch sử; một phần nghiên cứu ấy từng được trình lên một hội đồng khoa học, và trong lĩnh vực lịch sử dịch thuật Việt Nam, một tờ báo phổ thông như Tuổi trẻ không thể bịp được tôi)
Điều hài hước là chính trong cái lúc bàn rất sâu về dịch thuật, đánh giá phán xét con người ta, thì tờ Tuổi trẻ, tờ báo hàng đầu của Việt Nam, lại cho thấy mình không viết đúng nổi tên của nhà văn Gabriel García Márquez, nhà văn nước ngoài nổi tiếng nhất ở Việt Nam suốt gần ba mươi năm qua; thế mà tôi tin mọi phóng viên văn hóa của tờ Tuổi trẻ, kể từ người gạo cội nhất, đều rất tán thưởng García Márquez cơ đấy:
Và tôi hỏi báo Tuổi trẻ một câu này: Tại sao những người như Cao Xuân Hạo, như Nguyễn Trung Đức thì đáng kính trọng (và bản thân tôi cũng vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ họ, cùng rất nhiều dịch giả khác) vì có nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử dịch thuật Việt Nam, mà tôi và nhiều người khác không được tiếp nối cái công trình ấy, theo một cách thức có thể là khác nhưng xét cho cùng cũng chỉ là đóng góp thêm nữa mà thôi?
Đến cuối năm, bằng luận điểm mà Tuổi trẻ chưa hề chứng minh kia, tờ báo hàng đầu Việt Nam còn dấn sâu hơn vào sự bỉ ổi của mình với giải thưởng “Trái cóc xanh” ném vào tôi. Ở đây nổi lên khuôn mặt một người: nhà báo Đinh Thúy Nga, trưởng ban văn hóa nghệ thuật của Tuổi trẻ.
Tôi tố cáo bà Đinh Thúy Nga đã vì thù riêng với tôi mà dàn dựng nên câu chuyện này. Hành xử của bà Đinh Thúy Nga trong làng báo văn hóa, nhìn chung nhiều người biết. Với bản thân tôi, tôi cũng từng có trải nghiệm: một lần tôi viết bài phê bình một tác phẩm của một tác giả thân cận với bà Đinh Thúy Nga; lẽ ra thông thường mà nói, bà có thể dùng không ít bỉnh bút mà bà “sở hữu” để phê bình lại tôi nếu thấy tôi không đúng, đằng này bà lại gọi điện thoại sang tòa soạn bạn để phản ứng (rất gay gắt). Bà Đinh Thúy Nga làm báo hay muốn làm bố già vậy?
Tôi cũng mách với bà Đinh Thúy Nga nhé: trong số phóng viên của bà, có một phóng viên rất quan trọng, người ấy biết rõ đầu đuôi ngọn ngành vụ xuất bản quyển Hạt cơ bản vào năm 2006; chuyện này liên quan đến ba ông trùm xuất bản Việt Nam. Và cái “ung thư tử cung”, ngoài tôi đã phát hiện ngay ra sau khi sách in, cụm từ ấy đã xuất hiện một cách chính thức trong tham luận tọa đàm về cuốn sách diễn ra vào cuối năm 2006, đầu năm 2007, của Nguyễn Thị Thúy Quỳnh; ở một ghi chú, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã nêu cụm từ ấy và phê phán ngành xuất bản Việt Nam rất nặng lời, và tôi công nhận Nguyễn Thị Thúy Quỳnh nói đúng. Lẽ ra cuốn sách chỉ cần tái bản, sửa chữa là được, nhưng sau đó những người in ra nó đã không đoái hoài gì đến chuyện tái bản nữa, mặc dù tôi đã nhiều lần đề nghị. Để rồi sáu, bảy năm về sau, bà Đinh Thúy Nga túm lấy chi tiết ấy như một chiêu bài để công kích tôi một cách xấu xa. Tôi nói thật, việc ấy chẳng ra gì hết đâu, chẳng qua nó cũng chỉ là một thứ “hàm huyết phún nhân” bẩn thỉu mà thôi.
Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi đã thu mình lại, và tôi quan sát. Tôi hiểu ra rất nhiều điều, và rất nhiều con người. Ở đây tôi chỉ nói đến hai kiểu thái độ mà tôi thấy rất tiêu biểu. Một cơ hội quá lớn để thể hiện sự chính trực (giả hiệu) đã được không ít người vồ lấy.
Thứ nhất là ông Trần Thiện Đạo. Ông là bạn cũ của tôi, lại nhiều tuổi, tôi không hề muốn động vào. Nhưng ông không chỉ chửi mình tôi, ông còn nhân tiện chửi thêm ba người nữa, trong đó cũng có người từng là bạn cũ của ông. Ông hậm hực vì chuyện cá nhân của ông, ok, tôi không lấy làm điều. Nhưng ông nói người khác thì hãy sờ lên đầu ông đi đã. Ông hãy thanh toán những chứng từ quá khứ, trước khi có ý định làm gì. Chứng từ thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ nêu một vụ nho nhỏ cái đã: Cậu hoàng con (Antoine Saint-Exupéry), bản dịch của ông, in năm 1966 ở nhà Khai Trí. Một truyện đơn giản như vậy, thế mà ông phá hoại nó đến mức kinh khủng, tôi chỉ nêu có hai điểm (trong số không ít): bản Vĩnh Lạc, bản Bùi Giáng hay mọi bản tiếng Việt khác của Le Petit Prince đều biết Océan Pacifique là Thái Bình Dương, mỗi ông nghĩ nó là Đại Tây Dương; đặc biệt, vì cực dốt tiếng Việt, ông đã sáng tạo ra cụm từ này: “Tể tướng bộ tư pháp”. Tôi dám chắc trong lịch sử tiếng Việt, chưa một ai dám dùng từ ngữ như thế đâu.
Thứ hai là ông Trương Thái Du, một con người điển hình của nói năng điềm đạm, nho nhã, nhưng thật ra vô cùng thâm hiểm. Tôi thấy ông Trương Thái Du chỉ thỉnh thoảng đi đâu đó nói câu này câu kia ra cái vẻ khách quan lắm, như là chỉ phê phán tôi vừa phải thôi, nhưng tôi cũng là người biết quan sát, tôi biết ông Trương Thái Du hả hê lắm. Bởi thật ra, trước đó, đã có lần ông Trương Thái Du nhờ tôi đọc rồi nhận xét hộ truyện ngắn cho ông, thì tôi đã từ chối thẳng. Tôi biết với ông, như thế là một sự sỉ nhục, nhưng tôi xin lỗi, với tôi, sẽ là sỉ nhục nếu phải đọc văn ông. Tôi là người không bao giờ để lộ ra các chi tiết liên quan đến nghề nghiệp, nhưng tôi xin phá lệ một lần để nhận mình chính là người từng bỏ phiếu chống đăng truyện của ông trên một trang web, khi tôi ở trong ban biên tập tại đó. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, văn chương Trương Thái Du là văn chương tôi không thể đọc được.
Và cuối cùng: Tôi cực kỳ thất vọng với giới dịch giả Việt Nam. Các vị nghĩ gì? Các vị nghĩ rằng những trò bẩn thỉu xấu xa kia không thể rơi ụp xuống đầu các vị một ngày đẹp trời nào đó hả? Hay là các vị hả hê vì
chỉ có một người phải chịu đựng, là tôi? Mà là chịu thay cho các vị phần nhiều đó.