Hoạt động đối chất, nhận dạng trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

Chủ đề   RSS   
  • #574661 20/08/2021

    Hong312
    Top 75
    Lớp 5

    Vietnam --> Đăk Lăk
    Tham gia:05/05/2021
    Tổng số bài viết (850)
    Số điểm: 7292
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 135 lần


    Hoạt động đối chất, nhận dạng trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 147 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015 quy định:

    “3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

    a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

    b) Khám nghiệm hiện trường;

    c) Khám nghiệm tử thi;

    d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản”.

    Theo quy định trên, ngoài 04 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản) thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động mang tính chất chung (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn về việc cơ quan có thẩm quyền được tiến hành những hoạt động cụ thể nào để “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”.

    Ngoài hoạt động phổ biến, buộc phải thực hiện trong hầu hết quá trình giải quyết tin báo là triệu tập, lấy lời khai; việc có được thực hiện một số hoạt động khác như đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói… hay không còn ít được biết đến.

    Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi giải quyết tin báo, nếu “người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bản chất của việc thực hiện quy định này chính là hoạt động nhận dạng.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.

    Theo quy định này, có thể hiểu, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói trong quá trình giải quyết tin báo.

    Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA quy định: khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ thể như sau: Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình theo sự phân công của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)”.

    Trước đây, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì Điều tra viên được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiệm vụ và quyền hạn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng.

    Do vậy, mặc dù không được quy định cụ thể tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đây là những biện pháp nhằm kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

     

     
    1525 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận