Thời gian gần đây thì vấn đề dịch tả lợn châu Phi đang gây nhức nhối với xã hôi. Mọi người hầu như đều không dám ăn thịt lợn. Điều này sẽ khiến cho những người nuôi lợn bị thiệt hại rất lớn bởi ngoài thiệt hại do lợn bị dịch thì còn thiệt hại do thịt lợn "sạch" không thể tiêu thu vì người dân không dám ăn. Và bài viết dưới đây mình sẽ nêu ra một số quy định về việc hỗ trợ của Nhà nước đối với người nuôi lợn như sau:
Tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì vấn đề này được quy định như sau:
Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;
- Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai;
- Hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
=> Như vậy, theo quy định này thì người nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh sẽ được Nhà nước hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi bạn nhé.
Tuy nhiên, cần lưu ý là không phải cứ có dịch thì người nuôi lợn hay động vật khác sẽ được hỗ trợ bởi theo quy định của pháp luật thì người nuôi gia súc, gia cầm cần phải đáp ứng được một số điều kiện khác nữa để được hỗ trợ. Và dưới đây sẽ là một số thông tin về các điều kiện này:
- Để được hỗ trợ thì người nuôi lợn cần phải đáp ứng được 04 điều kiện sau đây:
+ Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
+ Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
+ Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
+Thời điểm xảy ra thiệt hại đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.
- Về cách hiểu dịch bệnh và bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cần phải công bố dịch thì pháp luật nước ta quy định như sau:
+ Dịch bệnh động vật được hiểu là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm của động vật thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Trong đó, Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa động vật và người.
Cùng với đó, tại Phụ lục 1 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT cũng có quy định về Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch bao gồm:
Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch bao gồm:
+ Bệnh Cúm gia cầm (thể độc lực cao và chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người)
+ Bệnh Lở mồm long móng
+ Bệnh Tai xanh ở lợn (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn)
+ Bệnh Nhiệt thán
+ Bệnh Dịch tả lợn
+ Bệnh Xoắn khuẩn
+ Bệnh Dại động vật
+ Bệnh Niu-cát-xơn
Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người bao gồm:
+ Bệnh Cúm gia cầm (thể độc lực cao và chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người)
+ Bệnh Dại động vật
+ Bệnh Liên cầu khuẩn lợn (típ 2)
+ Bệnh Nhiệt thán
+ Bệnh Xoắn khuẩn
+ Bệnh Giun xoắn
+ Bệnh Lao bò
+ Bệnh Sảy thai truyền nhiễm
Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh bao gồm:
+ Bệnh Nhiệt thán
+ Bệnh Dại động vật
+ Bệnh Cúm gia cầm (thể độc lực cao và chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người)
Trên đây là một số thông tin mình tìm hiểu được về vấn đề này. Có gì thì mọi người góp ý thêm nhé.