Theo thống kê của Hội phụ nữ và Phòng tư pháp huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang cho biết: có tới 174 phụ nữ ở xã Tam Dị , huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ra nước ngoài lao động dưới hình thức kết hôn giả với người nước ngoài. Theo như chúng tôi tìm hiểu thì Cò mồi ở xã Tam Dị nổi tiếng với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường, ngay cả khi thị trường Hàn Quốc không tuyển lao động nữ giới thì họ vẫn nghĩ ra chiêu trò kết hôn giả để nữ giới đi lao động tại thị trường này, bỏ ra khoảng từ 10 nghìn đô đến 15 nghìn USD, phụ nữ xã Tam Dị sẽ được kết hôn giả với người Hàn Quốc và sẽ dễ dàng nhập cư để lao động kiếm tiền.Hình thức trên đã trở lên phổ biến ở địa phương này, bởi nó có chi phí thấp hơn con đường hợp pháp; tuy nhiên những người phụ nữ và gia đình của họ phải đánh đổi những gì để có được đồng tiền làm giàu nơi sứ người? Câu hỏi đó sẽ được giải đáp sau đây:
- Hiện nay, tại xã Tam Dị: Bốn mươi cặp vợ chồng đang trong tình trạng đã ly hôn hay đang trong tình trạng rạn nứt. Đầu tiên là những căn nhà vắng bóng những bàn tay của người mẹ, người vợ trong thời gian đi xuất khẩu lao động, nay thì vắng bóng hẳn. 8 năm những bức ảnh treo trên tường trong gia đình anh Hải chỉ có 2 bố con. Ngày chị Lương vợ anh trở về thì những tờ giấy công nhận gia đình văn hóa đã không còn giá trị. Chị Lương đã ly dị vờ với anh Hải để kết hôn với người Đài Loan để đi làm kinh tế giúp gia đình, nhưng giờ chuyện ly dị vờ nhà anh Hải đã thành thật. Anh Hải nói: "giá như thời gian có thể quay trở lại thì Anh sẽ không để điều đó xảy ra vì cái giá phải trả quá đắt". Anh Hải xúc động nói tiếp: "Khi nghèo thì có nhau khi giàu thì hết, mỗi người mỗi nơi". Nghe mà buồn đến tận tâm can, có phải chăng xã hội mình, đất nước mình nghèo quá không, không có nổi một công việc gì để có kế sinh nhai – anh Hải tâm sự. Con của anh Hải và chị Lương thì nói rằng: "Cháu muốn níu mẹ lại... mà chắc là không được", ánh mắt của em nhìn xa xăm; tuy mới 8 tuổi nhưng em có vẻ rất già dặn, có lẽ em được tôi luyện tự lập qua bao tháng năm xa mẹ.
- Những căn nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều, con đường bê tông trải dài đến tận thôn xóm. Trong làng ô tô, xe máy ngày một xuất hiện nhiều hơn. Thế nhưng ở những nơi thôn quê vốn thanh bình này lại đang chứa đựng âm ỉ những hệ lụy kéo dài, trong hàng trăm ngôi nhà khang trang, được coi là những tổ ấm thì nay không được coi là tổ ấm nữa. Trong những ngôi nhà kín cổng cao tường, nhưng bên trong không biết được có bao nhiêu rạn nứt, có biết bao tiếng khóc thầm con nhớ mẹ, vợ chồng khắc khoải nhớ mong khi để vợ ra nước ngoài kiếm tiền bằng con đường kết hôn giả. Ông bà ta đã từng nói: làm ngôi nhà phải thực sự là tổ ấm, sắm cái giường thì đó phải thực sự là giấc ngủ ngon.
- Ở xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã có rất nhiều trường hợp bị cò mồi lừa đảo, nhận tiền lo thủ tục kết hôn giả nhưng rồi ôm tiền bỏ trốn, như trường hợp gia đình ông Lê Xuân Quảng, tích góp toàn bộ gia tài để lo cho con gái đi xuất khẩu lao động qua con đường kết hôn giả nhưng bị chính người dân trong thôn (cò mồi) lừa đảo, ôm tiền bỏ trốn. Cuối cùng, ông phát đơn kiện tụng khắp nơi nhưng không có hồi đáp.
- Một số chị em khi hết hạn lao động khi về Việt Nam, vì đã kết hôn với người nước ngoài mà khi về nước lấy chồng sinh con thì đã có tới hàng trăm đứa trẻ không thể làm giấy khai sinh. Một trường hợp điển hình: Giấy khai sinh của bé Gia Linh được cấp tại Hàn Quốc nhưng lại đăng ký dưới một cái tên khác, tên người mẹ cũng là một cái tên khác. Vì trước khi bố mẹ em lấy nhau thì mẹ em đã đăng ký kết hôn với một người Hàn Quốc. Các em chẳng mấy chốc sẽ đến tuổi đi học, tức về luật pháp bố mẹ em không thể kết hôn và làm Giấy khai sinh cho con mình. Vấn đề tại sao? Trước khi đi bên môi giới nói rằng cứ đi khoảng 2- 3 năm họ sẽ ly dị cho mình. Nhưng đến hạn bên môi giới lại nói rằng đường dây bị lộ rồi chưa làm được, họ trốn không ra mặt, vì vậy khi hết thời gian lao động các cô về nhưng vẫn chưa thể ly dị được với người chồng nước ngoài.
Trước những trường hợp trẻ không được khai sinh, chúng tôi đã có thời gian trao đổi với đại diện các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo như chúng tôi biết được, Bộ Tư pháp vừa có văn bản hướng dẫn các đối tượng nêu trên cần đến Đại sứ quán Việt Nam ở các quốc gia mà họ đang làm ăn, sinh sống như: Đài Loan, Hàn Quốc… để xin xác nhận tình trạng hôn nhân hiện tại thì mới có thể hợp thức được quan hệ hôn nhân giữa người phụ nữ với chồng Việt Nam và khai sinh cho con mình được. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong trường hợp này khi sang Hàn Quốc, Đài Loan… thường bỏ trốn ra ngoài làm ăn bất hợp pháp nên đã trốn tránh các cơ quan chức năng. Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng". Vậy để khai sinh cho cháu bé theo họ cha trong trường hợp này, gia đình phải nhờ sự can thiệp của Toà án nhân dân cấp tỉnh làm thủ tục ly hôn với người chồng nước ngoài và qua xác định ADN hoặc nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để chứng minh đứa con không phải là con người chồng theo đăng ký kết hôn mà là của người đàn ông đang chung sống với người mẹ. Sau khi gia đình làm thủ tục nhận cha,mẹ thì trẻ mới được đăng ký khai sinh.Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam quy định, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền bình đẳng, một trong những quyền đó là được khai sinh.
Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Cấm các hành vi Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;…”
Thực tế việc kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo… rất khó phát hiện vì việc kết hôn này thường được sắp đặt và dàn dựng rất kín kẽ và tinh vi.
Theo Điều 28 nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sư, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (đã được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 67/2015/NĐ-CP) quy định: “3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật”.
Việc quy định mức phạt tiền như vậy chỉ mang ý nghĩa răn đe, giáo dục chứ chưa đủ sức nặng; vì vậy, cần có các chế tài khác (đủ sức nặng) để xử lý các trường hợp kết hôn giả như vậy.
Trên đây, TÔI xin chia sẻ với các bạn những suy nghĩ trên. Cũng vì vấn đề cần ly hôn với chồng bên nước ngoài, khai sinh cho con trong hoàn cảnh như trên Công ty chúng tôi đã thụ lý cho rất nhiều bạn từ Bắc Giang, Bắc Ninh, cho đến Thanh Hóa, Nghệ An.....Có gì băn khoăn các bạn liên hệ chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể.