Nhiều lần đi ăn uống tại các quán xá buổi chiều, tối. Đến nơi gửi xe để vào chỗ ăn uống, tôi thường hay bắt gặp nhiều câu nói quen thuộc từ những người giữ xe ở đây “Cứ để xe đó lát tôi dắt cho” hoặc “để xe ở góc đó” rồi tôi hỏi “Không có thẻ xe hả?”. Họ lại nói “Không cần đâu”. Bất chợt tôi lại suy nghĩ đến tình huống “Nếu như mất xe, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”. Đi xe xoàng xoàng thì đỡ phải sợ mất khi nghe câu nói đó, còn nếu là xe tay ga, xe xịn thì ít nhiều thấp thỏm lo sợ vì sợ mất xe ai sẽ đền.
Câu nói của người giữ xe mà tôi đã đề cập trên được xem là hợp đồng miệng.
Về lý thuyết, theo Khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 có quy định:
“Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”
Như vậy, hợp đồng miệng vẫn có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, trên thực tế nếu xảy ra tranh chấp thì việc giao kết hợp đồng miệng rất khó có căn cứ để giải quyết vấn đề. Vì việc thu thập chứng cứ bởi hợp đồng miệng sẽ cần yếu tố quan trọng là người làm chứng. Người làm chứng phải là người trung lập, không đứng về bên nào. Nhưng trong những tình huống như vậy, rất khó tìm được người làm chứng.
Trường hợp như vậy, bên phía quán ăn uống có thể lật lọng nói rằng bên phía họ không nói câu đó hoặc có nói nhưng đâu có nói là mất xe họ sẽ chịu trách nhiệm. Phía khách hàng sẽ nói vì họ nhận trách nhiệm giữ xe thì sẽ phải chịu trách nhiệm khi làm mất xe của khách.
Lúc này, việc thu thập chứng cứ để chứng minh lỗi để bồi thường thiệt hại chiếc xe đã mất là rất khó.
Trường hợp này mình phải làm gì để chứng minh lỗi để xác định bồi thường thiệt hại chiếc xe đã mất ??
Các bạn thành viên Dân Luật có thể giúp mình trả lời câu hỏi này không?