Dự thảo Nghị định hướng dẫn về lao động là người giúp việc gia đình

Chủ đề   RSS   
  • #289481 03/10/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Dự thảo Nghị định hướng dẫn về lao động là người giúp việc gia đình

    Tải file đính kèm tại đây

    CHÍNH PHỦ

    _______

    Số:          /2013/NĐ-CP

    (Dự thảo lấy ý kiến)

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    ________________________________________

    Hà Nội, ngày      tháng     năm 2013

    NGHỊ ĐỊNH

    Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động

    về lao động là người giúp việc gia đình

    _________

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012; 

    Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

    Chính phủ ban hành Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động giúp việc gia đình

     

    CHƯƠNG I

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

    Nghị định này quy định quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động và lao động là người giúp việc gia đình, trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động.

    Điều 2. Đối tượng áp dụng

    1. Lao động là người giúp việc gia đình.

    2. Người sử dụng lao động có thuê mướn lao động là người giúp việc gia đình theo hợp đồng lao động.

    3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

    Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình (sau đây gọi là người lao động), không bao gồm người nước ngoài làm giúp việc gia đình tại Việt Nam và người Việt Nam làm giúp việc gia đình ở nước ngoài.

    Công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ hoặc của cá nhân trong hộ gia đình.

    2. Người sử dụng lao động là hộ gia đình hoặc nhiều hộ gia đình có thuê mướn hoặc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo hợp đồng lao động (sau đây gọi là người sử dụng lao động).

    CHƯƠNG II

    HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

    Điều 4. Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động

    Người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng lao động tại khoản 1 Điều 180 được quy định như sau

    1. Bên người sử dụng lao động

    a) Chủ hộ và người được chủ hộ ủy quyền hợp pháp;

    b) Người được các thành viên trong hộ hoặc nhiều hộ gia đình cử (bằng văn bản) làm đại diện.

    2. Bên người lao động

    a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

    b) Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;

    Điều 5. Ký kết hợp đồng lao động với nhiều người lao động

    Trường hợp người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng nhiều người lao động thì người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động.

    Điều 6. Loại hợp đồng lao động

    Loại hợp đồng lao động do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn thì khi hợp đồng lao động hết hạn hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn và được ký kết nhiều lần.

    Điều 7. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi ký kết hợp đồng lao động

    1. Người sử dụng lao động phải cung cấp các thông tin cần thiết cho người lao động về những công việc phải làm, không được làm, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện về ăn, ở của người giúp việc gia đình, các thông tin về đặc điểm của các thành viên, đời sống sinh hoạt của hộ hoặc các hộ gia đình, những yêu cầu đối với người lao động giúp việc gia đình và các vấn đề có liên quan khác mà người lao động yêu cầu.

    2. Người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động về họ tên, tuổi, giới tính, số, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình, những yêu cầu đối với người sử dụng lao động, các thành viên trong hộ gia đình và các vấn đề có liên quan khác mà người sử dụng lao động yêu cầu.

    Điều 8. Nội dung của hợp đồng lao động

    1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

    a) Các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật lao động;

    b) Điều kiện ăn, ở của người lao động;

    c) Các hành vi không được làm, hành vi cấm;

    d) Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;

    e) Bồi thường do làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản hoặc các hành vi khác gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.

    2. Mẫu hợp đồng lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

    Điều 9. Hiệu lực của hợp đồng lao động

    1. Hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày hai bên ký kết hoặc ngày hai bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

    2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực thì người sử dụng lao động phải gửi tờ khai đăng ký sử dụng lao động với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người lao động làm việc. Mẫu tờ khai đăng ký sử dụng lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

    3. Trường hợp người lao động ở cùng với hộ gia đình, người sử dụng lao động phải thực hiện đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú.

     

    Điều 10. Thử việc

    Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ hai bên trong thời gian thử việc theo quy định tại Điều 26, Điều 28 và Điều 29 của Bộ luật lao động. Thời gian thử việc không quá 6 ngày. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận.

    Điều 11. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

    1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 32 của Bộ luật lao động.

    2. Hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

    3. Sau thời hạn tạm hoãn hợp đồng hoặc thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động mà hai bên đã thỏa thuận theo quy định tại Khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

    Điều 12. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động

    1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, một trong hai bên có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết ít nhất 03 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

    2. Sau thời hạn báo trước quy định tại Khoản 1 Điều này, hai bên tiến hành thỏa thuận nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trường hợp hai bên thoả thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

    Điều 13. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của lao động là người giúp việc gia đình

    Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định như sau:

    1. Báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

    2. Báo trước ít nhất 03 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

    a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng lao động;

    b) Không được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh theo nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng lao động;

    c) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng kỳ hạn theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác;

    3. Không phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau:

    a) Bị thành viên trong hộ gia đình ngược đãi hoặc quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động hoặc đánh đập;

    b) Bị thành viên trong hộ gia đình xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    c) Khi môi trường làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của mình.

    Điều 14. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

    Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động được quy định như sau:

    1. Báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

    2. Báo trước ít nhất 03 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

    a) Người lao động không thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

    b) Người lao động gây mất đoàn kết giữa các thành viên hoặc bạn bè, người thân của các thành viên trong gia đình hoặc hàng xóm của hộ gia đình;

    c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 30 ngày liên tục.

    3. Không cần báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

    a) Người lao động có hành vi, thái độ không trung thực;

    b) Người lao động có hành vi trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích cho thành viên trong hộ gia đình hoặc người lao động khác làm cùng, sử dụng ma túy, mại dâm, gây mất vệ sinh;

    c) Người lao động có hành vi ngược đãi hoặc quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức hoặc dùng vũ lực đối với các thành viên trong hộ gia đình;

    đ) Người lao động có hành vi bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của hộ gia đình hoặc thành viên trong hộ gia đình;

    e) Khi phát hiện người lao động mức các bệnh truyền nhiễm hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong gia đình.

    Điều 15. Huỷ bỏ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

    1. Người lao động có quyền huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo cho người sử dụng lao động trước 03 ngày trước khi hết thời hạn báo trước quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này. Việc huỷ bỏ đơn phương của người lao động chỉ được thực hiện khi người sử dụng lao động đồng ý.

    2. Người sử dụng lao động có quyền huỷ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và và phải báo cho người lao động trước 03 ngày trước khi hết thời hạn báo trước quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này. Việc huỷ bỏ đơn phương của người sử dụng lao động chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý.

    Điều 16. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động khi vi phạm thời hạn báo trước trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

    1. Khi người sử dụng lao động vi phạm thời hạn báo trước trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định này thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của những ngày không báo trước.

    2. Khi người lao động vi phạm thời hạn báo trước trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. Người lao động không phải hoàn trả khoản tiền mà người sử dụng lao động đã hỗ trợ cho người lao động học văn hóa, học nghề theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

    Điều 17. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

    1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giải quyết đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

    2. Người sử dụng lao động chi trả tiền tàu xe đi đường về nơi cư trú khi người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

    3. Người sử dụng lao động không phải chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

     

    Điều 18. Hợp đồng lao động vô hiệu

    1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;

    b) Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 4 Nghị định này;

    c) Công việc mà hai bên ký kết trong hợp đồng lao động thuộc các trường hợp: không phải là công việc trong gia đình; là công việc giúp việc gia đình theo hình thức khoán việc hoặc là công việc bị pháp luật cấm.

    2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

    3. Thẩm quyền, trình tự thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và giải quyết quyền lợi của người lao động trong trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được thực hiện theo quy định của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

     

     Điều 19. Học văn hóa, học nghề của người lao động

    Người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian và tuỳ theo khả năng của hộ gia đình hỗ trợ chi phí cho người giúp việc gia đình tham gia học văn hoá, học nghề khi người giúp việc gia đình có nhu cầu. Thời gian đi học và mức hỗ trợ về chi phí học văn hoá, học nghề do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động.

    CHƯƠNG III

    TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ,

    BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

    Điều 20. Tiền lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương

    1. Tiền lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương của người lao động do hai bên thoả thuận tương ứng với công việc, điều kiện làm việc của người lao động và được ghi trong hợp đồng lao động song phải bảo đảm các quy định sau:

    a) Mức tiền lương theo thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố đối với địa bàn mà người giúp việc gia đình làm việc.

    b) Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động mở tài khoản ngân hàng. Các loại phí liên quan đến mở tài khoản và duy trì tài khoản do hai bên thỏa thuận.

    2. Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương cho thời gian làm việc đó.

    Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thời gian ngừng việc

    1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

    2. Người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động trong trường hợp người lao động phải ngừng việc không do lỗi của người sử dụng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

    Điều 22. Tạm ứng tiền lương

    Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận.

    Điều 23. Khấu trừ tiền lương

    Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động do làm hư hỏng, mất mát dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi trộm cắp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động theo thoả thuận trong hợp đồng lao động. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận. Khi khấu trừ tiền lương người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết.

    Điều 24. Tiền thưởng

    Tuỳ vào mức độ hoàn thành công việc của người giúp việc gia đình và hoàn cảnh thực tế của hộ gia đình, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động trong các dịp lễ, tết.

    Điều 25. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

    1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (nếu có), bảo hiểm y tế bắt buộc thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội để người lao động tự lo bảo hiểm.

    2. Người lao động phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện hoặc bảo hiểm thân thể trong thời gian làm việc cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp người lao động mua bảo hiểm y tế tự nguyện hoặc bảo hiểm thân thể khi người lao động yêu cầu.

    CHƯƠNG IV

    THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

    Điều 26. Thời giờ làm việc

    Thời giờ làm việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào đặc điểm, điều kiện làm việc, tính chất công việc trong từng hộ gia đình và được ghi trong hợp đồng lao động song tổng số thời gian làm việc trong ngày không quá 12 giờ.

    Điều 27. Nghỉ hàng tuần

    Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất 04 ngày. Thời điểm nghỉ do hai bên thoả thuận.

    Điều 28. Nghỉ hàng năm

    1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm 10 ngày, hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm 1 lần. Trường hợp người lao động không nghỉ thì hai bên thỏa thuận tiền lương cho thời gian làm việc vào những ngày nghỉ hàng năm.

    2. Khi nghỉ hàng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.

    Điều 29. Nghỉ lễ, tết

    Người giúp việc gia đình được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 của Bộ luật lao động. Trường hợp người lao động không nghỉ thì hai bên thỏa thuận tiền lương cho thời gian làm việc vào ngày lễ, tết.

    Điều 30. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

    1. Người lao động được nghỉ việc riêng theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.

    2. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

    CHƯƠNG V

    AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

    Điều 31. An toàn lao động, vệ sinh lao động

    1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng trang thiết bị, máy móc, đồ dùng có liên quan đến công việc của người lao động, các biện pháp phòng chống cháy nổ cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc.

    2. Người lao động có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, máy móc, đồ dùng và phòng chống cháy nổ; bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường của hộ gia đình, dân cư nơi cư trú.

    Điều 32. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động

    1. Trường hợp người lao động ở cùng gia đình bị ốm hoặc bị mắc các bệnh thông thường thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chăm sóc, chi trả tiền thuốc, khám chữa bệnh cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

    2. Khi người lao động bị tai nạn lao động người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu kịp thời và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật đối với người lao động, đồng thời khai báo tai nạn lao động với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người lao động làm việc. Mẫu khai báo tai nạn lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

    3. Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định này. Người sử dụng lao động phải chi trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho thời gian người lao động phải nghỉ việc do ốm đau hoặc bị tai nạn lao động.

    4. Người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động khám sức khoẻ sau khi ký hợp đồng và khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Chi phí khám sức khỏe do người sử dụng chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

    CHƯƠNG VI

    LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN VÀ LAO ĐỘNG CAO TUỔI

    Điều 33. Sử dụng người lao động chưa thành niên

    Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động chưa thành niên làm công việc trong gia đình thuộc danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của người lao động theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

    Điều 34. Sử dụng người lao động là người cao tuổi

    1. Khi có nhu cầu và người lao động có đủ sức khỏe thì người sử dụng lao động có thể thoả thuận, ký hợp đồng với người lao động cao tuổi làm công việc trong gia đình.

    2. Người lao động cao tuổi phải cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe kèm theo giấy khám sức khỏe cho người sử dụng lao động khi thỏa thuận hợp đồng lao động. Trường hợp cần thiết người sử dụng lao động yêu cầu người lao động khám sức khỏe trước khi ký kết hợp đồng lao động và chi phí khám sức khỏe do người sử dụng lao động chi trả.

    CHƯƠNG VII

    KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT,

    GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    Điều 35. Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

    1. Khi người lao động có hành vi vi phạm các nội dung trong hợp đồng lao động nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 13 Nghị định này thì người sử dụng lao động có thể khiển trách người lao động; trường hợp tái phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà người sử dụng lao động có thể xem xét, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

    2. Người lao động làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi trộm cắp, gây thiệt hại về tài sản, tài chính đối với người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động theo thoả thuận trong hợp đồng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động không thoả thuận về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại, hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động để quyết định mức, thời hạn, phương thức bồi thường thiệt hại phù hợp.

    Điều 36. Giải quyết tranh chấp lao động

    Khi xảy ra tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động hoặc giữa người lao động với thành viên trong hộ thì người sử dụng lao động và người lao động phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất giải quyết. Trường hợp một trong hai bên không thống nhất thì có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật lao động hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

    CHƯƠNG VIII

    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

    Điều 37. Hiệu lực thi hành

    1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày    tháng    năm 2013.

    2. Những quy định trước đây trái với các quy định tại Nghị định này đều bị bãi bỏ.

    3. Người sử dụng lao động hiện đang thuê mướn sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải căn cứ vào các quy định tại Nghị định này để ký kết, hoặc sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động theo đúng quy định tại Nghị định này.

    Điều 38. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

    1. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.

    2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 03/10/2013 10:15:53 SA
     
    8315 | Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    mupmip83 (11/10/2013) cuongnguyendhlhn (03/10/2013) SAdmin (03/10/2013)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận