Công ty làm ngành du lịch có được ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng USD không?

Chủ đề   RSS   
  • #612463 07/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 131 lần


    Công ty làm ngành du lịch có được ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng USD không?

    Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc giao dịch bằng ngoại tệ, đặc biệt là đồng đô la Mỹ (USD) trở nên phổ biến và được không ít các công ty cung cấp dịch vụ du lịch thỏa thuận sử dụng trong hợp đồng

    Tuy nhiên, liệu các công ty làm ngành du lịch có được ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng USD không?

    Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Việt Nam.

    Trong nền kinh tế phát triển, mở cửa giao thương, hội nhập quốc tế, nhiều công ty du lịch có nhu cầu ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng ngoại tệ, đặc biệt là USD.

    (1) Công ty làm ngành du lịch có được ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng USD không? 

    Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN và Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2013 quy định như sau:

    Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.

    Theo khoản 13 và khoản 16 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN đề cập như sau:

    - Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.

    -Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

    +Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

    +Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

    Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt theo khoản 15 Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

    Như vậy, trừ các trường hợp tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, công ty dịch vụ không được sử dụng ngoại hối trong các giao dịch mà chỉ có thể dùng để quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

    Nếu các công ty làm ngành du lịch ký hợp đồng thỏa thuận sử dụng ngoại hối có thể bị dẫn đến việc hợp đồng này bị vô hiệu. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật để tránh vi phạm.

    (2) Thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng USD bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Trong trường hợp vi phạm về việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại hối sẽ bị xử phạt hành chính và các hình phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm

    Căn cứ quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt đối với vi phạm về hoạt động ngoại hối cụ thể là ghi và thanh toán hợp đồng bằng USD như sau:

    – Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật thì bị phạt cảnh cáo. 

    Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng.

    - Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng khi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật. 

    - Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. 

    - Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

    - Mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân trường hợp tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định.

    - Ngoài việc bị xử phạt hành chính, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn có các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP 

    Như vậy, tùy vào giá trị ngoại hối (USD) trong hợp đồng mà mức xử phạt hành chính sẽ khác nhau và bị tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với các hành vi vi phạm.

    Tóm lại, công ty làm ngành du lịch không được được ký hợp đồng và nhận thanh toán bằng USD trên lãnh thổ Việt Nam trừ khi nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú. 

    Các công ty vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật tùy theo mức độ, tính chất khác nhau mà mức xử phạt sẽ khác nhau.

     
    140 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận