Căn cứ điểm h khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016, tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo đó, trước đây tại điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định:
“Điều 27. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định
…
3. Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:
a) Doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì doanh nghiệp được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.
…”
Tuy nhiên, cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” đã bị thay thế bởi khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP thành “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Như vậy, trừ những doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện việc nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thì những doanh nghiệp còn lại có thể lựa chọn một phương thức khác theo quy chế của mình.