Theo quy định tại Điều 125 và 128 Bộ luật Lao động 2012, với mỗi hành vi vi phạm chỉ được lựa chọn áp dụng 01 trong 03 hình thức xử lý kỷ luật lao động là:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.
- Sa thải.
Doanh nghiệp tuyệt đối KHÔNG được áp dụng biện pháp gây xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; hoặc, dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động hay xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, phạt tiền hay trừ lương là không được xem hình thức xử lý kỷ luật. Và đây là hành vi bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tránh trường hợp phía người sử dụng lao động lạm dụng hình thức phạt tiền, trừ lương để uy hiếp, gây bất lợi cho người lao động.
Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc hoàn trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.
Mặt khác, theo Khoản 1, Điều 101 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trường hợp được khấu trừ tiền lương của người lao động như sau:
“Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.”
Như vậy, chỉ có 01 trường hợp duy nhất người sử dụng lao động được phép khấu trừ lương của người lao động. Đó là trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.