Chuyển từ đất ở sang đất thương mại dịch vụ để đầu tư có cần quyết định chủ trương đầu tư không?

Chủ đề   RSS   
  • #616616 20/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 489 lần


    Chuyển từ đất ở sang đất thương mại dịch vụ để đầu tư có cần quyết định chủ trương đầu tư không?

    Chuyển mục đích sử dụng đất ở sang đất thương mại dịch vụ có cần nhà nước chấp thuận không? Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án đầu tư thì có cần quyết định chủ trương đầu tư không?

    (1) Chuyển mục đích từ đất ở sang đất thương mại dịch vụ có cần nhà nước chấp thuận không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sau đây chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

    - Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;

    - Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

    - Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;

    - Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;

    - Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

    - Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;

    - Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.

    Như vậy, trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất ở đô thị sang đất thương mại dịch vụ không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

    (2) Dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất có cần quyết định chủ trương đầu tư không?

    Liên quan đến vấn đề này, Điều 32 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:

    Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 và Điều 31 Luật Đầu tư 2020, UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

    - Dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai;

    - Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người

    - Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt;

    - Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

    Như vậy, trường hợp dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cần phải có quyết định chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trừ trường hợp không cần UBND chấp thuận và các dự án thuộc Điều 30, Điều 31 Luật Đầu tư 2020.

    (3) Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:

    - Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

    - Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

    - Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

    - Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

    Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

    - Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

    - Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

    - Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

    - Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

    Sau khi hoàn thiện hồ sơ, nhà đầu tư nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư, trong thời hạn tối đa 35 ngày, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thông báo kết quả cho nhà đầu tư. 

     
    343 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận