Chương trình khuyến mại mang tính may rủi nhưng không có người trúng thưởng

Chủ đề   RSS   
  • #603005 02/06/2023

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (444)
    Số điểm: 4029
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 77 lần


    Chương trình khuyến mại mang tính may rủi nhưng không có người trúng thưởng

    Doanh nghiệp thực hiện đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi như thế nào? Khi xác định trúng thưởng nhưng không có người trúng thưởng thì doanh nghiệp cần phải làm gì? 

    1. Đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi 

    Tại Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký hoạt động khuyến mại, theo đó, đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi được thực hiện như sau:

    - Hồ sơ bao gồm:

    + 01 Đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP;

    + 01 Thể lệ chương trình khuyến mại theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP;

    + Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng;

    + 01 Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

    - Nội dung đăng ký thực hiện khuyến mại bao gồm:

    + Tên thương nhân thực hiện khuyến mại;

    + Tên chương trình khuyến mại;

    + Địa bàn thực hiện khuyến mại (các tỉnh, thành phố nơi thương nhân thực hiện khuyến mại);

    + Hình thức khuyến mại;

    + Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại;

    + Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (giải thưởng, quà tặng);

    + Thời gian thực hiện khuyến mại;

    + Khách hàng của chương trình khuyến mại (đối tượng hưởng khuyến mại);

    + Cơ cấu giải thưởng và tổng giá trị giải thưởng của chương trình khuyến mại;

    + Nội dung chi tiết chương trình khuyến mại (thể lệ chương trình khuyến mại);

    + Trường hợp nhiều thương nhân cùng phối hợp thực hiện chương trình khuyến mại thì nội dung đăng ký phải nêu rõ tên của các thương nhân cùng thực hiện, nội dung tham gia cụ thể và trách nhiệm cụ thể của từng thương nhân tham gia thực hiện trong chương trình.

    - Nộp hồ sơ: 

    Doanh nghiệp được lựa chọn một trong các cách thức đăng ký sau:

    + Nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

    + Nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

    + Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

    Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là:

    + Sở Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

    + Bộ Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác.

    - Thời gian nhận kết quả:

    + Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến), cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân; trong trường hợp không xác nhận, phải nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật. Nội dung xác nhận hoặc không xác nhận thực hiện theo Mẫu số 04 hoặc Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

    - Trường hợp Bộ Công Thương là cơ quan xác nhận đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý.

    - Thông tin về chương trình khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký và được xác nhận phải được cơ quan quản lý nhà nước công khai bằng các hình thức phù hợp (văn bản, trang tin điện tử hoặc các hình thức khác có tác dụng tương đương) và không sớm hơn thời gian bắt đầu của chương trình khuyến mại. Nội dung thông tin phải công khai bao gồm:

    + Tên thương nhân thực hiện;

    + Nội dung chi tiết chương trình khuyến mại;

    + Thời gian thực hiện khuyến mại;

    + Địa bàn thực hiện khuyến mại.

    2. Quy định về chương trình mang tính may rủi 

    Tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định như sau:

    - Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản.

    - Trong trường hợp bằng chứng xác định trúng thưởng được phát hành kèm theo hàng hóa (gắn kèm, đính kèm, đặt bên trong hàng hóa hoặc các cách thức khác tương tự), thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hoá cho Sở Công Thương nơi thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa trước khi thực hiện.

    - Bằng chứng xác định trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải tuân thủ các điều kiện sau:

    + Được thể hiện dưới dạng vật chất (vé số, phiếu, thẻ dự thưởng; phiếu rút thăm, bốc thăm, quay số; thẻ, tem, phiếu cào; tem, phiếu trúng thưởng; nắp, nút, đáy, vỏ, thân của bao bì sản phẩm hoặc của sản phẩm; chính giải thưởng) hoặc thông điệp dữ liệu (tin nhắn; thư điện tử; mã code, mã giao dịch, mã khách hàng, mã sản phẩm) hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương để làm căn cứ cho việc xác định trúng thưởng qua cách thức ngẫu nhiên;

    + Có hình thức khác với xổ số do nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả xổ số của Nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng.

    - Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.

    - Giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP là giải thưởng trong trường hợp hết thời hạn trao thưởng nhưng không có người nhận hoặc không xác định được người trúng thưởng.

    => Theo đó, trong trường hợp thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi nhưng không có người trúng thưởng thì thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước.

    3. Không trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước có bị xử phạt? 

    Tại Điểm l Khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm về khuyến mại về chương trình khuyến mại mang tính may rủi như sau:

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về việc trích nộp 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi.

    => Theo đó, doanh nghiệp không thực hiện trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước là vi phạm hành chính và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Như vậy, khi doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi thì cần đăng ký nộp hồ sơ theo quy định như trên. 

    Khi mở thưởng phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản. Trường hợp không có ai trúng thưởng phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước, nếu không trích hoặc trích không đủ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

     
    1407 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận